Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10)

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), đại diện doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cầu nối đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của DN, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp

Từ năm 2002 đến nay, có 21.667 DN đã đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó 16.225 DN đang hoạt động. Chỉ riêng 9 tháng năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới là 1.470. Tuy sử dụng nguồn vốn và lao động không lớn nhưng các DN nhỏ và vừa đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phát huy nội lực, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, giảm nghèo. Riêng DN tư nhân thu hút hơn 50% lực lượng lao động và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mỗi năm. Festival Biển hoặc các hoạt động lớn của tỉnh trong các năm qua đều có sự đóng góp, hỗ trợ lớn từ DN, doanh nhân trong tỉnh.

Để tạo điều kiện cho DN, doanh nhân đầu tư, phát triển, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa nói chung, Sở Kế hoạch và Đầu tư nói riêng luôn chú trọng công tác cải cách hành chính. Cụ thể, tỉnh tiếp tục triển khai tốt Luật DN, Luật Đầu tư và các quy định có liên quan nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Bên cạnh đó đã hỗ trợ DN, doanh nhân triển khai hiệu quả và minh bạch các chính sách hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa theo tinh thần Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Cụ thể là quy định về hỗ trợ giá đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho DN; xây dựng chính sách về nguồn lực, ngân sách… để cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Nhiệm vụ được các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên thực hiện là đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho DN, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và khuyến khích DN đổi mới sáng tạo để phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tỉnh cũng tích cực huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội của tỉnh, đồng bộ về giao thông, đô thị, bảo vệ môi trường, hạ tầng các khu công nghiệp… Bên cạnh đó đã rà soát, hoàn thiện quy hoạch và đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của DN về mặt bằng sản xuất, kinh doanh với hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ đầy đủ và chi phí hợp lý. Thực hiện chương trình hành động của tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện thường xuyên đánh giá hoạt động của từng cơ quan, tìm ra những giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài các chỉ số thành phần khác, tỉnh đang chú trọng nâng cao các chỉ số thành phần là chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số tính minh bạch và chỉ số hỗ trợ DN.

Mới đây, hơn 200 DN đã tham gia Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN được tổ chức cuối tháng 5-2017 do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì. Tại hội thảo, tỉnh đã giải quyết trực tiếp và chỉ đạo các sở, ban, ngành giải quyết hơn 20 khó khăn mà DN phản ánh. Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với Văn phòng đại diện VCCI tại Khánh Hòa tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN trên địa bàn tỉnh để phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật thuế mới, trả lời giải đáp các vướng mắc của DN về chính sách pháp luật thuế và thủ tục hành chính thuế; đồng thời lấy ý kiến DN về các nội dung dự thảo sửa đổi nghị định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ… Với những nỗ lực của các ngành liên quan, hy vọng thời gian tới các DN, doanh nhân sẽ được tạo điều kiện tối đa để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.

NHẬT THANH (Ghi)

Bà Đặng Thị Thu Nguyệt – Trưởng VCCI tại Khánh Hòa: Sẽ tổ chức “Cà phê doanh nhân –  Không gian khởi nghiệp”

Qua các hội nghị và khảo sát lấy ý kiến, VCCI Khánh Hòa nhận thấy ngoài những khó khăn thường niên như: mặt bằng sản xuất kinh doanh, vốn… thì những khó khăn, vướng mắc của DN tập trung vào các nhóm vấn đề chính nổi lên trong khoảng 2 năm gần đây. Thứ nhất là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN; thứ hai là vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thứ ba là vấn đề thanh tra, kiểm tra; thứ tư là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp, ngành Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn. Vấn đề chi phí kinh doanh đang tăng lên rất cao, gây áp lực lớn cho DN cũng là vướng mắc lớn hiện nay. Các vấn đề liên quan đến chi phí như: thuế, phí công đoàn và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay cao hơn so với khu vực cũng khiến nhiều DN nước ngoài không hài lòng. Điển hình như Việt Nam có mức đóng bảo hiểm xã hội cao nhất (32,5% mức lương tháng so với chỉ 5% ở Thái Lan, 8% ở Indonesia, 10% ở Philliphine và 13% ở Malaysia…).

Đối với VCCI Khánh Hòa, ngoài các hoạt động trong kế hoạch chung, Chủ tịch VCCI Việt Nam đã có chủ trương xúc tiến xây dựng mô hình “Cà phê doanh nhân  –  Không gian khởi nghiệp” tại Khánh Hòa, đẩy mạnh triển khai Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp… Các chương trình này nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ DN của VCCI nói chung và VCCI Khánh Hòa nói riêng, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở, thông thoáng và thuận lợi cho DN trong tỉnh nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận các thông tin, chính sách và góp ý từ thực tiễn trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách cũng như tiếp cận công nghệ mới, bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường năng lực quản lý tinh gọn, hiệu quả và có chiến lược kinh doanh dài hạn, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao…

VĂN KỲ (Ghi)

Ông Vương Vĩnh Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh: Doanh nhân phải có tầm nhìn

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong thường xuyên thông báo bằng văn bản về các chính sách, các quy định pháp luật mới để các DN hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế kịp thời nắm bắt và chấp hành. Công tác cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước đã có những cải thiện rõ rệt. Nhờ những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và DN nên một số vướng mắc, khó khăn của DN đã kịp thời được giải quyết, tháo gỡ.

Tuy nhiên, ngoài những hỗ trợ trên, các DN kinh tế tư nhân không nhận được những hỗ trợ bức thiết như: vay vốn, mặt bằng, xúc tiến thương mại, thông tin dự án… Tôi cho rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản các thủ tục trong các lĩnh vực như: xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, hải quan, thuế, lao động, xin giấy phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành sản phẩm… Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về chuyên môn, giỏi về ngoại ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong tương lai, tỉnh cần quy hoạch và xây dựng cảng Cam Ranh là cảng đầu mối tập trung hàng hóa của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên để xuất nhập khẩu trực tiếp. Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh cần xây dựng kho ngoại quan, kho bảo quản lạnh nhằm thu hút xuất nhập khẩu từ đường hàng không bằng máy bay vận tải cho toàn khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Trong thời đại công nghệ tiên tiến hiện nay, doanh nhân khởi nghiệp cần có tầm nhìn và khả năng phán đoán, phân tích sâu sắc thị trường và nền kinh tế thì mới có thể tồn tại và phát triển. Ngoài sự trợ giúp của khoa học công nghệ trong việc liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, các DN cần không ngừng nâng cao trình độ quản lý DN. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân có năng lực quản trị DN tốt hơn sẽ thắng nhờ chi phí và giá thành thấp hơn, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Đó cũng là các yếu tố giúp DN giữ gìn và phát triển những khách hàng trung thành, thu hút được những nhà cung ứng chất lượng và uy tín, dễ dàng vượt qua các đối thủ cạnh tranh.

V.KỲ (Ghi)
 

Theo: Báo Khánh Hòa