Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 15/11, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Dự kiến, dự án Luật sẽ được cho ý kiến tại ba Kỳ họp.
Đa số các đại biểu tán thành với kết cấu dự án Luật do Chính phủ trình và cho rằng, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bảo đảm yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành.
Với 10 Chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều, dự án Luật đã được sắp xếp các chương, mục, điều, khoản khá phù hợp.
Để bảo đảm chất lượng dự án Luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cấu trúc, bố cục dự án Luật theo hướng súc tích, mạch lạc, rõ ràng hơn.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định về triết lý giáo dục; bổ sung quy định cụ thể về cơ chế, chính sách nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Còn nhiều ý kiến về nâng trình độ đào tạo giáo viên mầm non
Liên quan đến chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhận định giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên có vị trí quan trọng trong tiềm lực phát triển nguồn lực con người.
Đội ngũ giáo viên mầm non là nhân tố quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Vì vậy, mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, có chất lượng, đạo đức là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm là rất cần thiết.
Đại biểu phân tích, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên mầm non của cả nước trong năm học 2017-2018 là 337.558 người, số giáo viên đạt chuẩn trung cấp là 332.403 người và theo chuẩn của Luật Giáo dục (sửa đổi), số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ cao đẳng là 107.150 người. Như vậy, đây là số lượng khá lớn và điều đáng quan tâm là phần nhiều các giáo viên chưa đạt chuẩn, tuổi đời lớn, tập trung ở địa phương, vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lộ trình, phương pháp để thực hiện cụ thể: Đào tạo cuốn chiếu, liên thông phù hợp với từng địa bàn, địa phương.
Đại biểu cho rằng từ thực tiễn cho thấy, mặc dù có thể đúng về chủ trương, nhưng thiếu các quy định cụ thể, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; cần có quy định hợp lý để giáo viên yên tâm công tác trên cơ sở bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn hàng năm phù hợp với yêu cầu giảng dạy, tránh tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, còn tiếp tục phải hợp đồng để giảng dạy. Khi thực hiện đại trà, các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp khó khăn, cần tính đến đặc thù của địa phương để triển khai hiệu quả.
Không cùng quan điểm, đại biểu Lê Tuấn Tú (Khánh Hòa) đặt câu hỏi, có cần thiết phải nâng chuẩn giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng sư phạm hay không? bởi chưa hề có một khảo sát, đánh giá nào về điều này.
Theo đại biểu Lê Tuấn Tú, về đào tạo giáo viên, hiện có tới 96 đơn vị tham gia đào tạo giáo viên, nhiều cơ sở từ trung cấp lên cao đẳng cũng được đào tạo giáo viên; cần bỏ quy định về đào tạo chứng chỉ sư phạm, hướng tới đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên trọng điểm để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần giữ chuẩn giáo viên mầm non là trung cấp sư phạm như hiện nay để tránh tốn kém, lãng phí, dành nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục mầm non.
[Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước]
Cùng chung quan điểm, đại biểu Ka H’Hoa (Đăk Nông) chỉ rõ, riêng đối với quy định có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non, cần tính toán đến lộ trình thực hiện và yếu tố tác động từ thực tiễn. Song song với nâng chuẩn trình độ giáo viên, cần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đãi ngộ đối với giáo viên.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị, dự án Luật bổ sung quy định tuyển dụng, quản lý giáo viên các trường công lập thuộc thẩm quyền ngành giáo dục; chỉ tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy.
Triết lý giáo dục đúc kết từ truyền thống dân tộc và hơi thở thời đại
Quan tâm đến triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu rõ triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục xây dựng trên 4 trụ cột chính: Đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục.
Đặt vấn đề, từ triết lý giáo dục của các nước, không ít học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Liệu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp được chế định trong dự án Luật lần này, soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam? Đại biểu băn khoăn: “So sánh mục tiêu, nội dung và phương pháp của dự án Luật lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, dường như không thay đổi gì nhiều. Đành rằng, các giá trị được xem là phổ quát phải được gìn giữ nhưng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để phù hợp với thời cuộc, vì đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc…”
Đại biểu dẫn chứng, không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết được nổi một văn bản hay nhiều doanh nghiệp than phiền khi phải tuyển dụng sinh viên vừa ra trường vào đơn vị. Dường như việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó lòng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội. Việc cắp sách đến trường mới chỉ dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của giáo dục là hội nhập quốc tế, nhưng toàn bộ dự án Luật không có bất cứ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập. Tuy các em được học tiếng Anh từ rất sớm nhưng nhiều trường hợp không thể sử dụng được tiếng Anh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Sứ mệnh của giáo dục với mục tiêu hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện như thế nào khi điểm trung bình môn tiếng Anh ba năm vừa qua của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia không vượt qua nổi con số 5.
Nhiều bạn trẻ sinh vào năm 2000 khi đất nước đã đi được một chặng đường hội nhập khá dài, vẫn chưa thông thạo tiếng Anh, cho thấy mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai. Nó sẽ còn chông gai hơn nếu không chế định tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong hệ thống giáo dục như Singapore hay Philippines từng làm.
Bốn trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự án Luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh các trụ cột này, chỉ tập trung vào giải quyết các sự vụ, sự việc, đại biểu thẳng thắn chỉ rõ.
Theo đại biểu, đời người chỉ có một thời gian ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường, do đó những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại, cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Bởi nếu chưa thể đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc, chí ít cũng cần tạo được một nền tảng vững chắc của đạo luật này để thế hệ trẻ hiện thực hóa lời căn dặn của tiền nhân. Chất liệu chính của một triết lý giáo dục có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy từ, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường; thiếu triết lý giáo dục cũng góp phần làm đất nước thiếu đi một triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy về giáo dục.
Đại biểu mong Quốc hội sẽ mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn điều kiện và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – một triết lý giáo dục đúng tầm đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho bốn trụ cột bằng những cam kết chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật để bảo đảm vận hành đúng tinh thần triết lý ấy.
[Họp Quốc hội: Phân tầng chính sách giáo dục, tránh tư duy bao cấp]
Chưa thống nhất về chương trình sách giáo khoa
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu thực trạng hiện nay, nhiều học sinh sợ học, vì các em bị bắt buộc trở thành những con người giỏi, cả gia đình, xã hội đều đặt nặng lên đôi vai của các em. Phương pháp dạy học trong các nhà trường vẫn còn một số hạn chế, mang nặng tính hàn lâm, kinh điển, rất nặng nề, quá tải.
Đại biểu băn khoăn: “Thử hỏi trong số các học sinh giỏi văn quốc gia mấy ai trở thành nhà văn? Hay chúng ta chỉ nên dạy cho học sinh các kiến thức cần thiết, kỹ năng, để các em tự do sáng tạo, phát huy được năng lực cá nhân.” Đại biểu kiến nghị, cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tới đây giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng đại biểu Cao Đình Thưởng vẫn mong muốn cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa thống nhất, còn lại là sách tham khảo.
Trái lại, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đồng ý một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất toàn quốc và nhiều sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị cần cải cách phương thức làm sách giáo khoa. Kiến thức sách giáo khoa các môn học từ trung học cơ sở trở xuống phải là kiến thức cơ bản, mang tính nền tảng, hệ thống, có tính ổn định tối thiểu 3-5 năm, không thay đổi hàng năm như hiện nay. Còn sách giáo khoa Trung học phổ thông, do phương pháp xây dựng truyền tải kiến thức về kinh tế, xã hội cần được cập nhật liên tục cùng sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, nên kiến thức trong sách giáo khoa chỉ cần đáp ứng yêu cầu tối thiểu của môn học; kiến thức còn lại do giáo viên chủ động bổ sung. Đại biểu cũng tán thành, nên xã hội hóa việc làm sách giáo khoa, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải chủ đạo trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Cũng liên quan đến nội dung về sách giáo khoa, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho rằng ý tưởng chọn sách giáo khoa có tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh là tốt, tuy nhiên cần nghiên cứu lại vì không phải phụ huynh nào, học sinh nào cũng có đủ thông tin, năng lực để đánh giá chương trình, sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có trách nhiệm, vai trò chủ đạo trong biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cũng trong phiên thảo luận sáng 15/11, các đại biểu đã cho ý kiến về việc phân luồng trong giáo dục phổ thông; chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm; vai trò, nhiệm vụ của cán bộ quản lý giáo dục./.
Theo: Viet Nam Plus