Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách sạn trên địa bàn TP. Nha Trang đã đóng cửa vì vắng khách; một số nhà đầu tư đang rao bán khách sạn trên mạng…
Chưa bao giờ việc kinh doanh lưu trú gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Đó là chia sẻ của tất cả những người điều hành khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang – Khánh Hòa khi được hỏi về ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Nếu như dịch SARS năm 2003, khách Nga giảm sút do đồng Rúp mất giá giai đoạn 2015 – 2016, nó như cú đấm mạnh vào du lịch thì dịch Covid-19 lan rộng từ châu Á sang châu Âu, Mỹ là loạt đòn liên hoàn hạ knock out ngành Du lịch. Trong đó, kinh doanh lưu trú chịu tổn thất nặng nề nhất”, ông Nguyễn Anh Vũ – Tổng Quản lý khách sạn Rosaka Nha Trang chia sẻ.
Trước đó, năm 2016 và 2017, khách Trung Quốc đổ xô đến Khánh Hòa khiến việc kinh doanh lưu trú phất lên như diều gặp gió. Các đơn vị lữ hành chuyên kinh doanh khách Trung Quốc đặt phòng trước cả năm, nhiều nhà đầu tư đã tính chỉ cần 5 năm là đủ thu hồi vốn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã vay tiền xây dựng khách sạn. Số lượng cơ sở lưu trú tăng rất nhanh trong giai đoạn 2017 – 2019. Nếu như cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh chỉ có 638 cơ sở lưu trú với gần 23.700 phòng thì đến năm 2019 tăng lên khoảng 800 cơ sở lưu trú với 50.000 phòng, chưa kể một số lượng không nhỏ Condotel cũng kinh doanh lưu trú. Từ cuối năm 2018, việc kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu gặp khó khăn, công suất phòng lưu trú giảm do tốc độ tăng trưởng phòng lưu trú cao hơn mức tăng về lượng khách du lịch. Năm 2017, công suất phòng lưu trú đạt 65,7% thì đến năm 2019 còn 52,6%. Cơn bão Covid-19 khiến du lịch nói chung và việc kinh doanh dịch vụ nói riêng bị chạm đáy. Trong tháng 2 vừa qua, công suất phòng của các cơ sở lưu trú chỉ đạt 21,66%, trong đó cơ sở lưu trú 3 – 5 sao đạt khoảng 30%, cơ sở 1 – 2 sao đạt 10%. Trong tháng 3 này và quãng thời gian sắp tới, dự báo công suất phòng còn thấp hơn nữa”.
Cho đến lúc này, mọi biện pháp đối phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang dần trở nên vô hiệu, khi thị trường du lịch cả thế giới đều bị ngừng trệ. Biện pháp khả dĩ nhất lúc này là cắt giảm các chi phí, trong đó có việc cắt giảm lao động. Theo khảo sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trong các giải pháp để tồn tại, có đến 42% chọn “cắt giảm tối đa chi phí”, còn lại là các giải pháp: đẩy mạnh kinh doanh online (20%), xây dựng kích cầu nội địa (18%), thay đổi hình thức kinh doanh (13%), các phương án khác (6%). Kết quả lựa chọn của bạn đọc cũng chính là giải pháp mà các doanh nghiệp du lịch đang áp dụng. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú trên địa bàn đã giảm tối đa số lượng lao động, chỉ giữ lại bộ khung. Khá nhiều khách sạn ở các đường: Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Hoàng Diệu… đã đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh đến khi hết dịch. “Trong tháng 3, khách sạn của tôi thu chưa đầy 400 triệu đồng. Dù đã cắt giảm tối đa về nhân sự, số tiền này không đủ chi phí để vận hành khách sạn nên phải chấp nhận đóng cửa một thời gian”, ông V. – chủ một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng cho biết.
Vì việc kinh doanh ế ẩm, nhiều người đang rao bán khách sạn, nhà nghỉ trên các trang web chuyên về bất động sản, nhà đất. Trên trang web alonhadat.com.vn, chỉ cần nhập từ khóa bán nhà hàng, khách sạn và chọn địa chỉ Nha Trang, Khánh Hòa là có ngay hàng chục lời rao bán khách sạn, từ khách sạn mini chỉ hơn 10 tỷ đồng đến những khách sạn lớn hạng 3 sao giá đến hàng trăm tỷ đồng. Hầu hết các khách sạn được rao trong khoảng từ đầu tháng 3 đến nay, nằm ở các đường như: Nguyễn Biểu, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ… Khó khăn lớn nhất là các khách sạn nhỏ mới đi vào hoạt động, chưa có tích trữ về tài chính. Việc không có khách du lịch đồng nghĩa với việc không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng nên nhiều nhà đầu tư đành rao bán khách sạn. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm về kinh doanh bất động sản và lưu trú du lịch, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, rất ít nhà đầu tư mạo hiểm mua khách sạn vào lúc này.
XUÂN THÀNH