Khánh Hòa là một trong số ít địa phương trên cả nước không có người tử vong do bệnh dại trong 5 năm qua. Tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, quản lý tốt đàn vật nuôi, xử lý kịp thời các ca dự phòng bệnh dại là những giải pháp được người dân và cơ quan chức năng thực hiện tốt để đạt được thành quả này.
Không có người tử vong do bệnh dại
Hiện nay, người dân trong tỉnh nuôi chó, mèo chủ yếu với mục đích giữ nhà, làm cảnh, thú cưng. Hình thức nuôi phổ biến là thả rông trong vườn, nhà. Theo thống kê, tổng đàn chó của tỉnh tính đến tháng 8-2021 là gần 59.000 con nên nguy cơ gây bệnh dại cũng rất cao.
Theo ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hàng năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi. Giai đoạn 2017-2021, tổng số lượt chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin dại động vật trên địa bàn tỉnh là 211.299 con, đạt tỷ lệ bình quân hàng năm 75,7% tổng đàn. Đây là mức cần thiết để tiến tới thanh toán được bệnh dại và là con số ở mức cao so với bình quân chung của cả nước (49,2%). Các thống kê chuyên môn cũng chỉ ra, ở những địa phương có tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại đạt cao, số người tử vong do bệnh dại giảm xuống. Chẳng hạn trong 5 năm qua, ở 16 địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại ở chó trên 70%, số người tử vong do bệnh dại là 58 người; trong khi ở nhóm các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt dưới 50%, số người tử vong do bệnh dại lên tới 215 người.
Ông Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nhiều năm qua, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác phòng chống bệnh dại. Riêng ngành Y tế đã triển khai các biện pháp dự phòng, chuẩn bị các cơ số vắc xin phòng bệnh dại và triển khai đều ở các tuyến cơ sở nên đã hạn chế thấp nhất các rủi ro nhiễm bệnh cho người bị súc vật cắn. Nhờ thế, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh không có người chết vì bệnh dại.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Giai đoạn 2017-2021, tỉnh chi hơn 2,3 tỷ đồng/dự toán 6,4 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh dại động vật. Giai đoạn 2022-2030, mức tương ứng là hơn 10 tỷ/19 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, người nuôi chó, mèo nuôi ở khu vực đồng bằng đã thực hiện tốt việc xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra nơi công cộng hầu hết có đeo rọ mõm hoặc xích lại và có người dắt. Chủ nuôi chấp hành tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định. Ở khu vực miền núi, chó, mèo chủ yếu được nuôi thả rông trong nhà, nương rẫy và khu vực công cộng. Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giai đoạn 2017-2020, tổng số lượt người đi tiêm dự phòng bệnh dại do động vật cắn là 7.780 người (năm 2021 chưa thống kê), trong đó có 85,3% do bị chó cắn, 12,2% do mèo, 0,5% do dơi cắn và 2% do các loài khác.
Giai đoạn 2022-2030, tỉnh đặt mục tiêu khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên chó, mèo và trên người. Theo ông Lê Thắng, thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn đến 70% chủ vật nuôi chưa thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã theo quy định. Hầu hết các xã, phường cũng chưa triển khai lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; chưa quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng trên địa bàn quản lý; chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại; chưa áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại.
Giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt quản lý đàn chó, mèo; tổ chức tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo đạt trên 80%; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dại… để tiếp tục giữ vững thành quả đã đạt được.
Hồng Đăng
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202109/kiem-soat-tot-benh-dai-8230439/