Qua gần 5 năm triển khai Nghị định (NĐ) 210 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Khánh Hòa, số lượng DN tiếp cận được với chính sách này chỉ đếm trên đầu ngón tay. NĐ 57 của Chính phủ ban hành vào tháng 4-2018 thay thế NĐ 210 được cho là cởi mở và dễ tiếp cận hơn.

Nghị định 210: Doanh nghiệp khó tiếp cận

NĐ 210 được Chính phủ ban hành năm 2013. Không chỉ ở Khánh Hòa mà trên bình diện cả nước, chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp bộc lộ một số hạn chế khiến nhiều DN chưa tiếp cận được. Trên cơ sở nội dung NĐ, tỉnh không ban hành chính sách đặc thù mà áp dụng các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Trung ương ban hành. Vì thế, từ năm 2013 đến nay, chỉ có một số dự án đầu tư được Nhà nước cho thuê đất được miễn, giảm tiền thuê đất như: chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH Thông Thuận, trồng dược liệu của Công ty CP Trang trại dược liệu Liên Sơn, nuôi heo của Công ty TNHH Hương Liên.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp đầu tư máy thu hoạch mía tại xã Ninh Thượng, Ninh Hòa

Doanh nghiệp đầu tư máy thu hoạch mía tại xã Ninh Thượng, Ninh Hòa

Về hỗ trợ đầu tư, Chính phủ quy định hỗ trợ đầu tư cho các dự án: xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, cây mắc ca; nuôi trồng hải sản trên biển; xây dựng cơ sở sấy lúa, bắp, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê; xây dựng cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện về quy mô sản xuất, chăn nuôi quá cao nên chỉ có 1 DN đáp ứng được các điều kiện và được UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ đầu tư vào tháng 5-2018, đó là dự án Trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Seven Farm. Dự án này có tổng mức vốn đầu tư 14 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 2,3 tỷ đồng.

Ưu đãi tối đa, cởi mở thủ tục

NĐ 57 có những quy định mới về ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Theo đó, tùy vào quy mô, tính chất, lĩnh vực của dự án đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước sẽ miễn, giảm hoặc hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ khoản chênh lệch lãi suất vốn vay. Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ kinh phí để DN ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng… với mức hỗ trợ có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo NĐ 57, có 19 ngành, nghề đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn được ưu đãi, bao gồm hầu hết các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, bảo quản nông sản… Các dự án triển khai ở khu vực khác nhau sẽ có mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, trong đó địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi lớn nhất.

Đổi thay lớn nhất trong NĐ 57 là các thủ tục đã được tinh giản tối đa. Cụ thể, DN chỉ cần gửi 3 bộ hồ sơ, gồm: dự án đầu tư, văn bản đề nghị hỗ trợ (có mẫu sẵn) tới Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, sở phải có văn bản thẩm tra và báo cáo UBND tỉnh. Trong vòng 5 ngày, UBND tỉnh có văn bản hỗ trợ vốn hay không, nếu từ chối thì nêu rõ lý do. Như vậy, các DN sẽ không phải “gõ cửa” từng cơ quan chức năng để được hỗ trợ như trước đây. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến quy hoạch dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm tra công nghệ đối với các dự án cũng được tạo điều kiện thông thoáng hơn.

NĐ 57 cũng quy định rõ ngân sách thực hiện. Trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm; các tỉnh, thành phố cũng dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện ưu đãi, hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Đây được coi là yếu tố tiên quyết để triển khai NĐ. Điều này nhằm khắc phục tình trạng dự án đã có quyết định hỗ trợ nhưng phải dừng lại vì chưa có vốn như đã gặp rất nhiều trong thời gian qua.

Một doanh nghiệp đầu tư nhà lưới trồng rau sạch  ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa.

Một doanh nghiệp đầu tư nhà lưới trồng rau sạch ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa.

Thiếu đất có quy mô

Những năm gần đây, đã có nhiều tín hiệu khá lạc quan về các DN đầu tư vào nông nghiệp ở tỉnh. Dẫu vậy, khá nhiều DN có ý định đầu tư vào trồng trọt đã phải “quay đầu” vì không tìm đủ diện tích cần thiết. Để tìm được một khoảnh đất tương đối bằng phẳng rộng vài chục héc-ta trở lên là điều không dễ. Đã vậy, diện tích sở hữu của từng hộ còn nhỏ, nên để huy động khoảng 20ha đất, DN phải thỏa thuận với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ. “Việc tìm kiếm thỏa thuận với từng hộ với số lượng lớn như vậy mất rất nhiều thời gian, công sức và kết quả thường không trọn vẹn. Chỉ cần 10% số hộ đó không đồng ý là dự án coi như đổ bể”, một DN đầu tư vào lĩnh vực mía đường cho biết. Có một hình thức liên kết khác đó là DN để hộ đó góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây là hình thức thường thấy ở các hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng nhiều thành viên của hợp tác xã từ bỏ quy trình chung, tự tách sản xuất theo ý riêng của mình, nên việc DN “bắt tay” làm ăn với hộ cá thể chưa thể bền chặt.

Ngoài ra, chính sách dù có hay nhưng để phát huy hiệu quả thì việc triển khai của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng rất quan trọng. Một chủ DN đang đầu tư vào nông nghiệp ở Vạn Ninh băn khoăn, quy định thì rất hay, thủ tục đầu tư đã thông thoáng hơn, nhưng việc thực hiện các thủ tục đó có thuận lợi, trôi chảy, nhanh gọn hay không còn phải xem trên thực tế.

Rõ ràng, NĐ 57 với hàng loạt điểm mới đang tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để huy động sự tham gia của các DN vào lĩnh vực nông nghiệp. Hy vọng chính sách này sẽ là đòn bẩy để ngành nông nghiệp tỉnh có những bứt phá ngoạn mục trong tương lai gần.

HỒNG ĐĂNG

 


Ông Huỳnh Quang Thành – Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Ngày 20-7-2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2084 ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh, gồm: xoài, sầu riêng, bưởi, tỏi, mía tím và mía nguyên liệu, bò, heo, gà, keo lai giâm hom, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành chính sách cụ thể để thực hiện.


Theo: Báo Khánh Hòa