Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khu vực suối Đá Giăng: Sẽ thu hồi diện tích đất giao khoán

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn của 10 hộ dân thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa phản ánh việc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Diên Khánh (nay là BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà) lấy đất của dân nhưng không tiến hành trồng rừng mà chia cho cán bộ, nhân viên trồng cây ăn quả. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Bà Cao Thị Kính, một trong những người dân đứng đơn phản ánh: “Năm 1981, gia đình tôi có khai hoang mấy héc – ta đất rẫy ở khu vực suối Đá Giăng dưới chân Hòn Bà, canh tác cho đến năm 1991 thì Nhà nước thu hồi đất để trồng bạch đàn. Khi đó, một số cán bộ lâm trường bảo sau khi khai thác bạch đàn xong sẽ trả lại đất cho người dân. Thế nhưng, phần đất của chúng tôi lại được giao cán bộ lâm trường, gia đình họ sử dụng để trồng xoài, mít và thu lợi. Tôi không hiểu vì sao Nhà nước thu hồi đất của dân rồi lại giao cho cán bộ lâm trường sản xuất”.

Khu vực người dân thôn Suối Lau 1 phản ánh đã bị cán bộ lâm trường sử dụng vào mục đích sản xuất chứ không phải trồng rừng.

Tương tự, ông Cao Sơn cho hay: “Trước đây, bố tôi là ông Cao Cà Má cùng các hộ dân khác trong thôn khai hoang, sinh sống ở khu vực suối Đá Giăng. Tôi tìm hiểu được biết, khu đất gia đình tôi sản xuất, sinh sống trước đây bị thu hồi để trồng thí nghiệm vườn bạch đàn tại tiểu khu 234 (phân khu phục hồi sinh thái thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà). Khi phát hiện khu vực này được giao cho cán bộ kiểm lâm của khu bảo tồn, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xem xét trả lại đất cho người dân, bởi thực tế rất nhiều hộ đang thiếu đất để sản xuất. Tại thôn Suối Lau 1 có 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào trường hợp này”.

Ông Lương Đức Huệ – Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: “Trước đây, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực suối Đá Giăng di cư từ xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) sang, phát nương làm rẫy tại đây. Sau này Nhà nước mới vận động về định canh, định cư ở xã Suối Cát như hiện nay. Từ năm 2017, 10 hộ dân thôn Suối Lau 1 đã phản ánh về việc cán bộ lâm trường chiếm đất, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản trả lời về vấn đề này. Theo đó, người dân cho rằng BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà lấy đất của dân để chia cho cán bộ kiểm lâm là không đúng. Bởi thực tế, các hộ này được BQL rừng phòng hộ Diên Khánh trước đây ký khế ước giao khoán đất theo Nghị định 01 năm 1995, có hồ sơ đầy đủ. Trước năm 2014, diện tích đất ở khu vực suối Đá Giăng được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, sau năm 2014 được chuyển sang đất rừng đặc dụng”.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Anh Thy – Giám đốc BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, năm 2001, BQL rừng phòng hộ Diên Khánh đã tiến hành giao khoán đất lâm nghiệp cho 11 hộ nhận khoán, đại diện là cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại cơ quan với mục đích xây dựng rừng phòng hộ bằng vốn của bên nhận khoán, tổng diện tích giao khoán là 14,32ha (thực hiện theo Nghị định 01 năm 1995 của Chính phủ). “Chúng tôi đã tiến hành rà soát và nhận thấy, khế ước giao khoán đất của BQL rừng phòng hộ Diên Khánh thời điểm năm 2001 đối với 11 hộ nhận khoán không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vừa qua, một số hộ có đơn đề nghị được tiếp tục nhận khoán đất để phục hồi các diện tích xoài bị thiệt hại sau bão số 12 nhưng BQL không đồng ý. Ngoài ra, khi phát hiện một số hộ trồng mới xoài trên diện tích được giao khoán, BQL đã tiến hành ngăn chặn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ diện tích đã giao khoán tại khu vực suối Đá Giăng. Bởi Nghị định 01 năm 1995 đã hết hiệu lực và việc thực hiện giao khoán trước đây không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, khu vực này đã được quy hoạch là đất rừng đặc dụng, do đó chỉ để trồng rừng, phục hồi sinh thái”, ông Thy khẳng định.

BÍCH LA
 

Theo: Báo Khánh Hòa