Năm nào cũng vậy, cứ gần đến năm học mới là “phong trào” cho con học chữ trước khi vào lớp 1 lại thêm sôi nổi…
Học trước cho yên tâm
Tuy đã tìm cô giáo dạy chữ cho con trai ngay từ đầu hè, nhưng đến nay, chị H.L (phường Phước Long, TP. Nha Trang) vẫn chưa yên tâm vì con chưa thuộc hết bảng chữ cái. Chị H.L kể: “Con tôi tham gia lớp học thêm buổi tối tại nhà của một cô giáo tiểu học cùng với 5, 6 bạn khác. Nhiều bé đã biết đánh vần, thậm chí đọc trôi chảy, tôi mà không cho con tăng tốc học thì vào năm sẽ rất vất vả, không theo kịp bạn bè trong lớp. Ngày Chủ nhật tôi cũng phải dành thời gian để kèm con tập tô, tập viết”.
Cùng nỗi lo, chị N. (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cất công tìm một giáo viên giỏi đã nghỉ hưu, nổi tiếng về luyện chữ đẹp để kèm cặp con học chữ ngay từ sau Tết. “Tôi nghĩ không cần ép con học chữ sớm quá, nhưng cho trẻ làm quen dần trước khi vào lớp 1 thì cũng nên làm. Bởi trước đây, hầu hết học sinh (HS) vào lớp 1 đều như tờ giấy trắng, chưa biết gì thì hiện nay đa số phụ huynh đều cho con đi học sớm, chưa kể chương trình học bây giờ có nhiều đổi mới, con mình không học thì không theo kịp. Hiện nay con đã biết đánh vần, đọc được câu ngắn, tôi cũng yên tâm…”, chị N. chia sẻ.
Những năm gần đây, việc phụ huynh cho con học chữ sớm dường như đã trở thành “phong trào”. Nhiều người còn nôn nóng cho con học cách nhận mặt chữ ngay từ lúc 4, 5 tuổi. Một phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cho biết, năm cuối cấp mẫu giáo anh phải xin cho con nghỉ học trường công lập trên địa bàn phường Lộc Thọ (TP. Nha Trang) để vào học trường tư vì trường tư có dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Cũng vì nhu cầu này của phụ huynh mà ở nhiều trường tư thục, chuyện dạy chữ cho trẻ lớp lá rất phổ biến. Chủ một trường mầm non tư thục tại TP. Nha Trang còn cho biết, để việc dạy chữ chuẩn xác, bài bản hơn, năm học tới trường sẽ thuê hẳn giáo viên tiểu học vào dạy chữ cho HS mẫu giáo 5 tuổi.
Ảnh hưởng không tốt đến thói quen học tập
Thừa nhận việc dạy chữ cho HS trước khi vào lớp 1 là sai quy định, song cô V. – giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang cho rằng: “Đây là nhu cầu của phụ huynh, nhất là với những em HS hơi yếu thì học sớm để vào năm học không bỡ ngỡ, giáo viên cũng đỡ vất vả hơn…”. Tuy nhiên, với cách dạy và học tự phát như vậy, HS có thể học cả cách ngồi học sai tư thế, cầm bút không đúng cách, viết sai nét, đánh vần không chuẩn xác… Những điều này, nếu kéo dài sẽ hình thành thói quen rất khó sửa.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Hà Văn Thông – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1 với suy nghĩ sẽ giúp con bớt bỡ ngỡ khi đi học là sai lầm, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và thói quen học tập của trẻ. Bởi khi đó, trẻ sẽ có tâm lý biết rồi nên không cần học nữa, từ đó không hình thành được ý thức, nề nếp và thói quen học tập tốt, gây khó khăn khi trẻ lên các lớp cao hơn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường tiểu học tuyệt đối không được khảo sát trình độ của trẻ trước khi vào lớp 1; không tổ chức dạy trước cho HS lớp 1 (ngoại trừ các lớp tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số). Các giáo viên lớp 1 khi nhận lớp cũng phải nghiên cứu hồ sơ HS để có kế hoạch dạy học phù hợp, không được phép dạy theo số đông đã biết chữ mà bỏ rơi những HS khác; đồng thời không tổ chức lớp chọn theo yêu cầu của cha mẹ hoặc theo khả năng đọc, viết của HS.
Ngày 5-9 sẽ là ngày thực học của HS tiểu học nói riêng và HS toàn tỉnh nói chung. Trước đó, ngày 28-8, các em sẽ tựu trường và có thời gian làm quen với trường mới, lớp mới. Thiết nghĩ, điều mà phụ huynh và nhà trường, thầy cô cần làm hơn hết là chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, trang bị cho trẻ kỹ năng tự phục vụ, tạo điều kiện cho trẻ làm quen với thầy cô giáo, bạn bè để các em tự tin, nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới.
T.V
Theo: Báo Khánh Hòa