Nhà máy chế biến thủy sản F115 thuộc Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và thuộc diện di dời ra khỏi thành phố theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhưng nhiều năm nay, do vướng mắc trong quá trình định giá tài sản, nhà máy này vẫn tiếp tục hoạt động, gây bức xúc cho người dân ở khu dân cư Phước An Hòa 1, Phước An Nam 3 (phường Phước Hải, TP. Nha Trang).
Người dân khổ vì tiếng ồn, mùi hôi
Nhà máy chế biến thủy sản F115 (địa chỉ 194 Lê Hồng Phong, phường Phước Hải) nằm ở trong khu dân cư kéo dài từ hẻm 468 Lê Hồng Phong đến đầu đường số 4, dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I. Có nhà ở gần khu vực nhà máy, bà Nguyễn Thị Duyên cho biết, suốt 2 năm qua, nhà máy hoạt động gần như liên tục cả ngày lẫn đêm, tạo ra tiếng ồn lớn, ầm ầm như máy cày. Cùng với đó, mùi hôi thối trong quá trình chế biến thủy sản khiến cả khu dân cư luôn trong tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên. Có gia đình vì không chịu nổi đã phải đóng cửa nhà, thuê trọ chỗ khác để ở. “Tiếng ồn và mùi hôi không chỉ xuất phát từ hoạt động của nhà máy mà còn từ các xe chở hàng thủy sản chạy vào ban đêm và rạng sáng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân”, bà Duyên bức xúc nói. Được biết, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phan Tấn Dũng – Chủ tịch UBND phường Phước Hải cho biết, người dân phản ánh hoạt động Nhà máy chế biến thủy sản F115 gây ô nhiễm tiếng ồn và mùi hôi là có cơ sở. Việc này đã diễn ra nhiều năm nhưng ở góc độ địa phương, phường chỉ tổng hợp phản ánh lên cấp trên chứ không đủ thẩm quyền xử lý. Mới đây, ngày 26-3, với những kiến nghị của người dân, UBND phường đã mời các bên liên quan làm việc để tổng hợp báo cáo thành phố xử lý vấn đề này.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang giải thích, vấn đề mùi hôi người dân phản ánh là do sự cố bể cống nên nước thải tràn ra và sự cố này là ngoài ý muốn. Do đó, công ty đã cho xây lại hệ thống cống mới để xử lý mùi hôi. Còn việc người dân phản ánh tiếng ồn từ hoạt động của nhà máy, công ty đã xây hệ thống cách âm trong thời gian 3 ngày trước cuộc họp. Tuy nhiên, theo UBND phường Phước Hải, sau cuộc họp, qua kiểm tra, tình trạng tiếng ồn và mùi hôi xuất phát từ nhà máy vẫn còn.
Ngày 30-3, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã phối hợp với Phòng TN-MT TP. Nha Trang, UBND phường Phước Hải tiến hành kiểm tra môi trường tại Nhà máy chế biến thủy sản F115. Tại buổi kiểm tra, các đơn vị chức năng đã tiến hành quan trắc tiếng ồn, mùi hôi ở công ty và đang chờ kết quả quan trắc để xử lý nếu có vi phạm.
Vì sao chưa di dời nhà máy?
Cũng theo kiến nghị của người dân phường Phước Hải, năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định đưa các nhà máy đông lạnh ra khỏi thành phố, nhưng không hiểu vướng mắc gì mà đến nay, Nhà máy chế biến thủy sản F115 vẫn tồn tại trong khu dân cư?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại văn bản ngày 30-11-2017, UBND tỉnh đã đưa Nhà máy chế biến thủy sản F115 thuộc Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và biện pháp xử lý. Sở TN-MT đã có các văn bản đôn đốc công ty này thực hiện các biện pháp cải tạo hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và mùi hôi vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Cùng với đó, Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang cũng thuộc đối tượng di dời văn phòng và nhà máy sản xuất do nằm trên vị trí giải tỏa làm đường số 18 (dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I). Tuy nhiên, cho đến nay, việc di dời vẫn chưa thực hiện được do chưa định giá tài sản để lập phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định. Cụ thể, theo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I (Hội đồng bồi thường), trong quá trình triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang có phát sinh vướng mắc do: Tài sản có các công trình, máy móc và thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, kinh doanh mặt hàng hải sản xuất khẩu nên không thể kiểm kê thông thường; trong quyết định công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng, quy định của UBND tỉnh về bảng giá xây dựng mới các loại công trình, vật kiến trúc và chi phí đền bù, hỗ trợ một số công trình trên đất tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa không có các loại tài sản đặc thù nêu trên. Do đó, theo quy định phải thuê đơn vị có chuyên môn tư vấn, lập hồ sơ dự toán và trình các sở chuyên ngành thẩm định đối với công trình, máy móc và thiết bị nêu trên.
Ngày 15-4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Khánh – Quyền Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, tuy thành phố đã nhiều lần chỉ đạo, đốc thúc các đơn vị liên quan nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đơn vị nào trên cả nước để thực hiện định giá khối tài sản đặc thù của Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang. Do đó, hiện nay, UBND thành phố đề nghị Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang (Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong) khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với những hạng mục công trình đã hoàn chỉnh hồ sơ. Riêng các công trình đặc thù cần thuê đơn vị có chức năng lập thiết kế dự toán mà đến nay còn gặp vướng mắc thì chủ đầu tư làm việc cụ thể với Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang để thu thập hồ sơ, thống nhất số lượng, kinh phí làm cơ sở tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương giải quyết. Đồng thời, UBND thành phố giao Phòng TN-MT, Phòng Quản lý đô thị trực tiếp hướng dẫn nếu chủ đầu tư có vướng mắc để sớm hoàn thành việc giải quyết bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang đảm bảo theo đúng quy định pháp luật và đẩy nhanh tiến độ dự án.
THÁI THỊNH
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202104/khon-kho-vi-o-canh-nha-may-f115-8213438/ )
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202104/khon-kho-vi-o-canh-nha-may-f115-8213438/