Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, một số tổ chức tín dụng đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang 10 chủ tàu vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng cố tình chây ỳ không trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng cho ngư dân vay đóng mới 28 tàu và nâng cấp 3 tàu với tổng số tiền trên 292 tỷ đồng. Theo đó, việc giải ngân đạt trên 288 tỷ đồng, chiếm gần 98,6%; tất cả số tàu này lần lượt được chủ tàu hạ thủy và đưa vào hoạt động khai thác.

Từ tháng 5/2015 đến đầu năm 2018, các chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tuy nhiên, từ tháng 4/2018, các khoản vay theo Nghị định 67 bắt đầu phát sinh nợ xấu và có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả thực hiện chính sách theo Nghị định 67.

Tính đến cuối tháng 9/2019, các tổ chức tín dụng chỉ mới thu nợ gốc được gần 26 tỷ đồng, còn dư nợ trên 262 tỷ đồng và điều đáng nói số nợ xấu lên tới trên 103 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 39%.

Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng tín dụng với 20 chủ tàu, số vốn đã giải ngân trên 207 tỷ đồng và nợ xấu hiện trên 57 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 30%.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa ký hợp đồng tín dụng với 10 chủ tàu và giải ngân được gần 76 tỷ đồng, nhưng nợ xấu lên đến gần 46 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 66%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, phần lớn ngư dân được hưởng lợi từ nguồn vay tín dụng này và đây là chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước.

[Những bất cập về ”Tàu 67” làm “nóng” nghị trường Quốc hội]

Thực tế cho thấy, một số khách hàng gặp khó khăn trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản, nhưng vẫn có các chủ tàu đi biển thường xuyên, tình hình tài chính tốt, song cố tình chây ỳ, thiếu thiện chí trả nợ, khai báo chuyến biển bị lỗ… để chờ chính sách xóa nợ của Nhà nước. Hoặc một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng không đồng ý dùng các nguồn thu này để trả nợ ngân hàng.

Nhiều trường hợp khác tiếp tục ra khơi khai thác, nhưng không mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, làm gia tăng và tiềm ẩn rủi ro cho tài sản đảm bảo (chiếm 95% giá trị tài sản được hình thành từ vốn vay ngân hàng). 

Ngoài việc khởi kiện 10 chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ, một số tổ chức tín dụng còn kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các ngành chức năng địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho người vay tiếp tục thanh toán nợ; đồng thời giúp các tổ chức tín dụng quản lý, thu hồi khoản nợ này.

Tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý thực hiện chủ trương hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm thân tàu theo từng năm cho các chủ tàu./.

Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus