Mới đây, tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), người dân, doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý đã ngồi lại với nhau để bàn bạc, thảo luận về hình thái liên kết xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Kết quả cây mía đường đã được chọn làm sản phẩm liên kết.
Chủ trương xây dựng chuỗi
Cuối năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành, trong đó có Khánh Hòa về việc triển khai thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa DN – hợp tác xã (HTX) – hộ nông dân. Theo kế hoạch này, trước mắt có 2 sản phẩm nông sản được triển khai chuỗi liên kết gồm mía đường và gạo. Trong đó, Khánh Hòa được chọn làm nơi thí điểm mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường tại 2 huyện, quy mô trung bình khoảng 200ha/huyện.
Trên cơ sở này, tại Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar) là DN đăng ký tham gia chuỗi liên kết. 2 địa phương được chọn triển khai thí điểm là Ninh Hòa và Diên Khánh. Đây là những địa phương có diện tích mía đường lớn, diện tích liền kề đủ lớn (từ 200ha trở lên) và đã sản xuất mía đường từ nhiều năm nay. Trong đó có 3 xã của thị xã Ninh Hòa đáp ứng được các yêu cầu của kế hoạch gồm: Ninh Xuân, Ninh Sim và Ninh Tân. Tại Diên Khánh là xã Diên Đồng.
Có lợi gì khi tham gia chuỗi?
Theo đại diện Vietsugar, khi hình thành được liên kết, công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng của HTX, tiến hành hỗ trợ vốn nếu các HTX cần; hỗ trợ đưa máy móc vào sản xuất, thu hoạch; giới thiệu các giống mới cho HTX và tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX hoạt động hiệu quả như: tổ chức tập huấn, ưu tiên lịch thu hoạch…
Tuy nhiên, một số nông dân tham gia buổi làm việc cho rằng, từ trước đến nay, các công ty mía đường đều đã có ký kết hợp đồng với người trồng mía, những cam kết nêu trên đều đã và đang thực hiện mà không cần phải xây dựng chuỗi liên kết. Về vấn đề này, theo ông Phạm Mạnh Cường – Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, khi nhắc đến chuỗi giá trị đó là sự tập hợp của nhiều công đoạn, nhiều tác nhân liên kết, hợp tác với nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ khi đã hình thành được 1 mô hình kinh tế sản xuất, tiêu thụ mía đường có diện tích là 200ha với khoảng 50 hộ tham gia. Nếu mỗi héc-ta mía cần 1 tấn phân bón/mùa, mô hình đó cần khoảng 200 tấn phân bón. HTX đứng ra liên kết với DN sản xuất phân bón thu mua với giá đại lý cấp 1 có giá thấp hơn so với giá thị trường tới hàng trăm triệu đồng. Đó chính là giá trị mà người trồng mía được hưởng chỉ qua một tác nhân trong chuỗi liên kết. Với nhiều tác nhân sẽ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, giảm giá thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất đơn lẻ.
Thêm một cái lợi nữa, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT đó là khi đã hình thành được vùng sản xuất đủ lớn, các HTX sẽ tiếp cận được với các chính sách của Nhà nước liên quan đến xây dựng cánh đồng lớn. DN tiêu thụ khi đầu tư máy móc hiện đại có thể vào được cánh đồng lớn giúp người dân giải quyết được các khâu như: cải tạo đất, trồng, thu hoạch mía bằng máy móc mà không phải quá lệ thuộc vào lao động vốn đang trở thành bài toán khó như hiện nay. Theo ông Lê Bá Thuận – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, 3 xã Ninh Tân, Ninh Xuân và Ninh Sim nằm trên tuyến tưới của dự án hệ thống tưới sau hồ sông Chò đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc hình thành mô hình chuỗi liên kết với quy mô sản xuất lớn hơn, hiện đại hơn sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn nước tưới này.
Xét đến cái lợi của DN khi tham gia chuỗi, điều có thể thấy rõ nhất đó chính là DN có thể đầu tư một cách đồng bộ trên diện tích đủ lớn, giúp kéo giảm chi phí. Bên cạnh đó, việc ký kết hợp đồng, hợp tác liên kết sẽ dễ dàng hơn thông qua 1 tổ chức như HTX thay vì phải làm việc với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ.
Còn nhiều việc phải làm
Thông qua trao đổi giữa 3 nhà gồm: DN, người trồng mía và cơ quan quản lý nhà nước, có thể thấy vấn đề được nhắc đến nhiều nhất đó chính là việc thành lập HTX và tìm cho được người quản trị tốt HTX đó. Vietsugar cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thành lập các HTX ở những địa phương chọn triển khai mô hình chuỗi liên kết. Từ đó DN mới đưa ra đề án triển khai cụ thể. Phía cơ quan quản lý cho rằng, DN cần sớm chủ trì, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó nêu được những cam kết cụ thể để giúp người nông dân nhìn ra được lợi thế khi tham gia chuỗi, lấy đó làm hấp lực để người dân tham gia HTX.
Rõ ràng, để hình thành được chuỗi, điều kiện về mặt bằng sản xuất và cây trồng đã được xác định, vấn đề hiện nay là hầu hết các xã được chọn đều chưa có HTX mía đường. Việc hình thành nên tổ chức kinh tế tập thể này cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý lẫn DN. Kế hoạch của Bộ NN-PTNT khi hình thành nên chuỗi liên kết này nhằm hướng tới mục tiêu nâng tầm mối liên kết hiện có, thay vì chỉ liên kết với DN tiêu thụ; một khi đã hình thành được chuỗi giá trị, HTX hoàn toàn có thể liên kết với tất cả các tác nhân liên quan đến toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Đích đến cuối cùng vẫn là giải quyết những khó khăn mà ngành mía đường đang gặp phải đó là năng suất thấp, chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp và đang tỏ ra yếu thế so với đường nhập khẩu.
Theo ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, trước mắt, sở và DN cùng các địa phương sẽ tập trung hình thành nên các HTX mía đường ở những nơi triển khai thí điểm; lên kế hoạch tổ chức đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho lãnh đạo các HTX này; tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các đơn vị quỹ, tín dụng tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi để HTX tham gia thí điểm tiếp cận được vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc.
Phía DN mà cụ thể là Vietsugar chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, xã và Sở NN-PTNT để xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm mô hình, trong đó đặc biệt chú trọng đến phương án bố trí sản xuất, hình thức hợp đồng liên kết với HTX, các nội dung sẽ đầu tư, hỗ trợ HTX…
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa