Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản 2018 diễn ra chiều qua (17/5), ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch Cen Group cho biết trước thông tin lập đặc khu, giá đất tại Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc tăng “chóng mặt”.
Từ một khảo sát cụ thể, ông Hưng cho biết giá đất ở một miếng đất của người dân ở khu vực Bắc Vân Phong được “hét giá” tăng tới 100 lần sau 3 năm.
“Cụ thể, thời điểm trước khi có thông tin Bắc Vân Phong trở thành đặc khu, tôi được biết miếng đất đó được rao 40-50 triệu đồng. Cũng miếng đất đó năm ngoái được rao tới 400-500 triệu đồng. Đến đầu năm nay, vẫn chính miếng đất đó giờ có giá 5,5 tỷ đồng, tức là tăng 100 lần”, ông Hưng cho biết.
Ông Hưng cho biết, việc lập đặc khu đã có chủ trương từ rất lâu. Tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa nhìn thấy sản phẩm của bất kỳ một dự án nào hay khu đô thị để đáp ứng cơn khát của các nhà đầu tư. “Việc thiếu nguồn cung dẫn đến tăng giá là đương nhiên”, ông Hưng nhận xét.
Tương tự như với Vân Đồn, Phú Quốc, ông Hưng cũng cho rằng khi nghe có quy hoạch mà nguồn cung chưa có thì tăng giá là chuyện dễ hiểu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HD MON Holdings cho biết hiện một trong những khó khăn khi đầu tư vào các khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đó là việc chưa xong quy hoạch chung mà giá đất bị đẩy lên cao.
“Khi giá đất bị đẩy cao lên như vậy nhưng sau đó không phải là đất ở mà là khu công viên, hay công trình cây xanh, nhà đầu tư sẽ bị lỗ rất lớn”, ông Tuấn nói và cho rằng việc các địa phương hạn chế giao dịch thời điểm này cũng là nhằm bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải là kìm hãm thị trường.
Giá đất tăng cao, doanh nghiệp khó gom đất làm dự án quy mô lớn
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, một điểm thuận lợi cho những ai đã sở hữu bất động sản từ trước tại đây khi giá đất tăng.
“Tuy nhiên, cũng chính vì giá bất động sản đang lên và tăng khá mạnh, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư một dự án lớn với quy mô lớn thì giá đền bù sẽ rất lớn”, ông Lực nói.
Cũng liên quan đến hoạt động gom mặt bằng lớn tại 3 khu vực này, theo ông Lực, có nhiều người dân muốn bán, có người chưa muốn bán vì nghĩ rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp khó có thể gom đất ở 3 khu vực này với quy mô lớn.
Ông Lực cũng cũng chỉ ra một khó khăn khác, đó chính là quy hoạch phân khu tại các khu vực này chưa rõ ràng vì vậy nhà đầu tư cũng rất khó để nắm bắt để có kế hoạch đầu tư rõ ràng.
Theo số liệu từ đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản đưa ra tại diễn đàn, vào những tháng cuối năm 2017, giá đất tại Vân Đồn tăng cao theo thông tin thành lập đặc khu. Tại một số khu vực, giá đất tăng 100 – 200% chỉ sau vài tháng.
Hiện tượng giá đất tăng đột biến khiến người dân có đất tại khu vực chuyển đổi, tách thửa để bán tăng cao. Cùng với đó hiện tượng đầu cơ, giao dịch, tách thửa phân lô mua bán đất rừng, đất nông nghiệp tăng mạnh.
Còn tại Vân Phong (Khánh Hòa), sau khi có thông tin thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong việc mua bán, sang nhượng đất đai tại khu vực này cũng sôi động hơn khiến giá đất tăng mạnh.
Tại một số khu vực xuất hiện tình trạng tách thửa để nhận tái định cư khi quy hoạch đặc khu, phá rừng chiếm đất trên đảo trái quy định pháp luật và mua bán đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, giá đất ở khu vực ven biển tăng cao, riêng đất ở ven biển đoạn qua khu vực thị trấn có thông tin lên tới 100 triệu đồng/m2, còn những nơi khác trong khu dân cư từ 20-30 triệu đồng/m2.
Ở đặc khu tương lai Phú Quốc cũng đã xuất hiện tình trạng xây nhà không phép diễn ra phổ biến, cùng với đó tình trạng san lấp, phân lô bán nền diễn ra trên diện rộng.
Giới đầu cơ ngang nhiên hoạt động phân lô bán nền, hình thành các khu dân cư tự phát, dựng biển quảng cáo dự án thông tin không đúng sự thật để đẩy giá lên cao, kiếm lời bất chính, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch bị phá vỡ.
Nguyễn Mạnh
Theo: Dân Trí