Những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại thị xã Ninh Hòa diễn ra khá nhanh chóng. Hàng ngàn nông dân, diêm dân, ngư dân quanh năm làm ruộng, làm muối, đi biển thu nhập bấp bênh, nay bước vào làm việc trong các nhà máy, được đào tạo bài bản trở thành những công nhân lành nghề. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện định hướng phát triển thị xã trở thành “đô thị công nghiệp” theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tạo việc làm cho lao động địa phương

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


5 giờ một ngày đầu tháng 3, phóng viên theo chuyến xe của Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) đưa đón công nhân từ TP. Nha Trang đến nơi làm việc tại nhà máy của HVS tại thôn Mỹ Giang (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa). Trên xe khách có ghế ngồi rộng, thoải mái, máy lạnh cho các công nhân tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi trên xe. Trên quãng đường di chuyển, có nhiều chiếc xe của HVS tỏa vào các xã, phường ở thị xã Ninh Hòa để đón công nhân. Khoảng 6 giờ, khi đoàn xe đến bãi đậu xe của nhà máy, các công nhân bắt đầu lấy xe đạp của mình để di chuyển đến các phân khu đóng tàu. Hình ảnh những đoàn xe đạp của công nhân tỏa vào nhà máy tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi nổi nơi công xưởng. Anh Lê Minh Vương (31 tuổi, công nhân Phòng Quản lý chất lượng HVS) cho biết, sau khi học xong hệ cao đẳng, anh không xin được việc làm nên ở nhà làm ruộng với gia đình. Năm 2015, anh xin vào làm việc tại HVS. Tại đây, anh được đào tạo nghề bài bản trước khi nhận vào làm việc. Làm công nhân có thu nhập ổn định giúp đời sống gia đình anh được nâng lên.



Công nhân của Công ty TNHH  Đóng tàu  Hyundai Việt Nam  đi xe đạp  đến phân khu làm việc.

Công nhân của Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đi xe đạp đến phân khu làm việc.



Hiện nay, HVS chuyên đóng mới các loại tàu biển công nghệ cao nên đòi hỏi đội ngũ công nhân phải thực sự có trình độ, lành nghề. Với chính sách ưu tiên cho lao động địa phương, HVS đã đào tạo nghề miễn phí cho những nông dân, diêm dân, ngư dân ở thị xã Ninh Hòa để trở thành những công nhân hàn, sơn… lành nghề. Lãnh đạo HVS cho biết, hiện nay, công ty có 2.882 người lao động, trong đó có 2.562 lao động của Khánh Hòa (2.197 là người dân thị xã Ninh Hòa). Bên cạnh được đào tạo nghề miễn phí, đảm bảo chế độ tiền lương, thưởng hàng năm, tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm, công nhân của HVS còn được hỗ trợ xe buýt đưa đón, trang bị đồng phục miễn phí… Công ty còn xây các ký túc xá cho công nhân ở ngoài tỉnh đến làm việc ở lại miễn phí, chỉ phải trả tiền điện, nước khoảng 50.000 đồng/tháng.



Công nhân làm việc  tại Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.

Công nhân làm việc tại Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam.



Tại thị xã Ninh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) có Xí nghiệp may Khatoco (ở xã Ninh Ích) với 629 người lao động, trong đó có 627 lao động Khánh Hòa (riêng lao động Ninh Hòa là 359 người) và Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa (xã Ninh Phụng) giải quyết việc làm cho hơn 140 lao động địa phương. Khatoco luôn đảm bảo các chế độ bảo hiểm cho 100% lao động đã ký hợp đồng; bố trí xe đưa đón hàng ngày; khám bệnh định kỳ theo quy định. Người lao động được đào tạo nâng cao trình độ tay nghề. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy phải nghỉ hoạt động do giãn cách xã hội nhưng đơn vị vẫn chi trả lương cho người lao động.

Công nhân của “đô thị công nghiệp”


Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, với lợi thế là đô thị trẻ, năng động và giàu tiềm năng, vị trí địa lý thuận lợi, những năm qua, thị xã đã thu hút hơn 500 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đến thỏa thuận, hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất, điển hình như: Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản), Hyundai Mipo (Hàn Quốc), Khatoco… Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã năm 2022 đạt 15.868 tỷ đồng, vượt 3,7% kế hoạch, tăng 18,9% so với năm 2021; tính đến tháng 2-2023 đạt gần 2.528 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,89%, đạt 100,47% kế hoạch được giao; tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ là 25,3%, đạt 105,5% kế hoạch. Năm 2023, thị xã đặt mục tiêu số lao động có việc làm tăng thêm 2.200 người, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 84%.



Giờ làm việc của công nhân tại Xí nghiệp May Khatoco  (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa)

Giờ làm việc của công nhân tại Xí nghiệp May Khatoco (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa)



Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Ninh Hòa sẽ phát triển trở thành đô thị công nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thị xã sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ – du lịch, nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, như: Đóng tàu, cơ khí…; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, gắn với khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản biển. Đồng thời, địa phương đề xuất, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, như: Khu Công nghiệp Ninh Thủy, Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng, Cụm Công nghiệp Ninh Xuân. Các khu, cụm công nghiệp, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật về kinh tế cho tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.


THÁI THỊNH

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-09-vao-cuoc-song/202303/khi-nong-dan-vao-nha-may-8277765/