Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khánh Vĩnh: Vụ mì thất bát

Huyện Khánh Vĩnh đang bước vào vụ thu hoạch cây mì nhưng năng suất rất kém, người dân cho rằng do hiện tượng sương muối làm cây bị cháy lá, héo úa. Thế nhưng, chính tập quán canh tác lạc hậu, không chú ý bồi dưỡng dinh dưỡng cho đất khiến cây trồng không phát triển mới là nguyên nhân thực sự.  

Có phải do sương muối?


Những ngày này, nông dân Khánh Vĩnh bắt đầu thu hoạch cây mì. Nhiều bao mì được chở ra đường lớn chờ thương lái đến mua hoặc được đưa về các điểm tập kết để trung chuyển đi Tây Nguyên. Ông Cao Cà Sống (thôn Bàu Sang, xã Liên Sang) cho hay, ông thu hoạch 5 sào mì (5.000m2) nhưng năng suất rất thấp, ước tính chỉ đạt 10 tấn/ha. Nguyên nhân do hiện tượng sương muối xảy ra khiến cây bị bệnh, chỉ vươn cao được 30-40cm, lá vàng vọt rồi rụng, thối củ… Ông Hà Nghi (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) cũng vừa thu hoạch 5 sào mì, năng suất khoảng 9 tấn/ha. Ông Nghi cũng cho rằng do sương muối làm cây mì nhiễm bệnh dẫn đến năng suất thấp.



Thu mua mì tại xã Cầu Bà.



Tuy nhiên, giá mì năm nay cao hơn năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn chuyên thu mua mì ở xã Cầu Bà cho biết, hiện nay, giá mì 1.500 đồng/kg, nhích hơn thời gian trước. Thế nhưng cả tuần nay, bà chỉ mua được vài tấn. Việc thu hoạch cũng rất chậm, phần vì giá nhân công cao (200.000 đồng/người/ngày), phần vì năng suất thấp. Mì được thu gom bán cho thương lái đưa lên Đắk Lắk làm mì bột để xuất ra nước ngoài.


Theo ông Hà Thanh Tân – Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, diện tích mì toàn xã ước có vài chục héc-ta. Do mấy năm nay năng suất, sản lượng mì đều giảm nên người dân chuyển sang trồng keo. Năm nay, người trồng mì gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số hộ không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch.

Cây có hiện tượng thoái hóa, đất nghèo dinh dưỡng


Theo bà Phạm Thị Bưởi – Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Khánh Vĩnh, diện tích cây mì toàn huyện khoảng 600ha, tập trung ở các xã: Cầu Bà, Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái… với các giống: KM 94, KM 140, SM 937-26, mì nếp… Diện tích thu hoạch khoảng 100ha, năng suất ước đạt 12,06 tấn/ha, giảm so với cùng kỳ năm trước (13,18 tấn/ha). Qua theo dõi, các giống mì của huyện sử dụng qua nhiều năm nên có hiện tượng thoái hóa. Cây mì trồng độc canh trên đất đồi nghèo dinh dưỡng, người dân lại không bổ sung phân bón cho đất, chỉ trồng trọt theo dạng quảng canh, nhờ vào nước trời nên cây mì chỉ phát triển tốt giai đoạn đầu, đến khi tạo củ nhưng bị thiếu nước, dinh dưỡng nên cây còi cọc. Khi gần thu hoạch, lá chuyển vàng, rụng sớm. Đây là biểu hiện của cây thiếu dinh dưỡng dẫn đến năng suất thấp. Ngoài ra, năm 2022, mùa mưa kéo dài, độ ẩm cao nên củ mì không to như mọi năm.


Theo bà Bưởi, ở vụ tới, người trồng cần tuyển chọn những giống mì có xuất xứ rõ ràng và khả năng kháng bệnh; trồng mật độ thích hợp, bảo đảm đủ ánh sáng, quang hợp tốt, giảm sâu hại; luân canh cây trồng khác trên đất trồng mì, ưu tiên cây họ đậu, như: đậu xanh, đậu đen…; làm đất kỹ, bón lót phân chuồng hoai mục và lân, bổ sung dinh dưỡng cho cây mì vào giai đoạn sinh trưởng ngay sau khi trời có mưa; trồng xen cỏ lạc vào vườn mì giúp giữ ẩm, cải tạo đất. Đối với vùng đất trũng, cần khơi thông rãnh tránh ngập úng khi mưa lớn; thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh… Cán bộ nông nghiệp xã thường xuyên nhắc nhở nông dân kiểm tra diện tích mì để có giải pháp xử lý kịp thời.


V.L

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202303/khanh-vinh-vu-mi-that-bat-8277821/