Năm nay, diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều cánh rừng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) luôn trong tình trạng báo động cháy. Bên cạnh đó, đây là khoảng thời gian các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát nương, đốt rẫy nên nguy cơ cháy lan vào rừng rất cao.

Nhiều điểm cháy

Chiều 30-8, có mặt tại khu vực cánh tây huyện Khánh Vĩnh, chúng tôi đếm được 8 điểm cháy tại các khu vực: đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng (Sơn Thái), thác Bầu, Đa Rao (Khánh Thượng), sườn núi Hòn Dù (Khánh Nam). Không khí vốn đã nóng bức càng trở nên bức bối hơn khi khói theo gió nam bao phủ khắp nơi. Thậm chí khói từ điểm cháy trên sườn núi Hòn Dù còn lan khắp thị trấn Khánh Vĩnh. Ông Nguyễn Văn Tiên – người dân xã Liên Sang cho hay: “Mấy ngày nay, ở Đao Rao cháy liên tục; trên sườn núi Hòn Dù cũng xuất hiện một số đám cháy, khói mù khắp nơi khiến không khí càng thêm ngột ngạt. Khoảng 2 tháng nay, trên địa bàn các xã cánh tây nắng gay gắt, kéo dài từ khoảng 9 giờ sáng cho đến 16 – 17 giờ chiều, không khí khô nóng nên chỉ cần sơ sẩy là xảy ra cháy rừng. Gia đình tôi có 2ha keo, mấy ngày qua cũng ăn ngủ không yên, phải liên tục bám rừng để xử lý kịp thời khi có sự cố”.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Đám cháy trên sườn núi Hòn Dù, xã Khánh Nam (Ảnh chụp trưa 30-8).

Đám cháy trên sườn núi Hòn Dù, xã Khánh Nam (Ảnh chụp trưa 30-8).

Khi chúng tôi đến Đội Quản lý – Bảo vệ rừng, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, chưa đầy 10 phút, điện thoại của lãnh đạo đội đã liên tục nhận tin báo cháy gửi về. Cứ sau 1 tin báo, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty lại vội vàng phóng xe đi kiểm tra, xử lý tình huống. Ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho hay: “Đang tập trung xử lý vụ cháy rừng trồng phòng hộ ở Đa Rao, nay chúng tôi lại phải gồng mình phòng cháy ở rất nhiều địa điểm khác. Trong sáng 30-8, nhận được tin người dân xã Khánh Thành đốt rẫy, có nguy cơ cháy lan vào rừng, chúng tôi đã phải phân tán, điều lực lượng vào Khánh Thành để cắt ranh, khống chế không cho ngọn lửa cháy lan vào trong lâm phận của công ty. Sau đó, quan sát trên tuyến đường đèo Khánh Lê – Lâm Đồng có 2 điểm cháy, khói bốc cao, chúng tôi lại điều lực lượng lên đó giám sát, xử lý… Tình hình hiện nay hết sức căng thẳng; toàn bộ nhân lực, vật lực của công ty đều đang tập trung ở Khánh Vĩnh để phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng. Chúng tôi đã hợp đồng thêm người để tuần tra liên tục ở 3 khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy cao gồm: Khánh Thành – Cầu Bà (hơn 3.450ha), Khánh Phú – Sông Cầu (hơn 1.100ha), Khánh Thượng – Giang Ly – Sơn Thái (hơn 1,470ha)”.

Sẵn sàng nhân lực phòng, chống cháy rừng

Trong cao điểm mùa khô năm nay, các đơn vị chủ rừng khác tại Khánh Vĩnh như: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, UBND các xã, thị trấn và các hộ trồng rừng sản xuất cũng đang căng mình phòng, chống cháy rừng. Ông Lê Kim Hoàn Vũ – Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòn Bà cho hay: “Tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà có khoảng 2.000ha, trong đó có khoảng 500ha có nguy cơ cháy cao, nhất là những diện tích tiếp giáp với nương rẫy của người dân. Vì vậy, chúng tôi đã tăng cường lực lượng cho Trạm Kiểm lâm Khánh Phú (Hạt Kiểm lâm Hòn Bà) để tổ chức tuần tra, canh coi lửa rừng 24/24 giờ”.  

Tìm hiểu được biết, các đơn vị chủ rừng đang hợp đồng thêm nhân lực để tuần tra, canh lửa rừng; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, giữa các đơn vị chủ rừng và UBND các xã còn tăng cường việc thực hiện quy chế phối hợp trong phòng, chống cháy rừng… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các chủ rừng đang đối mặt là nguy cơ cháy lan từ việc đốt dọn nương rẫy của người dân. Thực tế, những vụ đốt rẫy gần đây, người dân ở một số địa phương không báo cho cơ quan chức năng hỗ trợ, không tổ chức canh coi, thậm chí đốt rẫy giữa trời nắng gắt, gió to… Vì vậy, lãnh đạo một số đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện kiến nghị: UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cần quản lý chặt việc đốt dọn nương rẫy của người dân, tốt nhất không nên để người dân đốt rẫy vào thời điểm nắng nóng hiện nay; tăng cường tuyên truyền người dân cẩn trọng khi sử dụng lửa ở ven rừng, bởi nguy cơ cháy rừng lớn nhất hiện nay là từ đốt rẫy không kiểm soát và sử dụng lửa bất cẩn.  

Theo ông Nguyễn Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, những năm trước, mùa khô chỉ kéo dài đến cuối tháng 8. Năm nay cao điểm mùa khô kéo dài hơn, thời tiết khô hanh, gió nam thổi mạnh; trong khi nguồn vật liệu gây cháy dưới tán rừng rất lớn do hậu quả của cơn bão số 12. Đây là nguyên nhân khiến các cánh rừng trên địa bàn huyện luôn trước nguy cơ cháy rất cao. Hiện nay, địa phương đang tập trung huy động nhân lực, trang thiết bị cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Lực lượng của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh đang hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng triển khai công tác phòng cháy. Hạt đang tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ việc phát nương, đốt rẫy của người dân.

BÍCH LA

 


Ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Hiện nay, nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh rất lớn, không chỉ riêng Khánh Vĩnh. Chi cục đã chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm tập trung tối đa cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho đến hết tháng 9. Toàn lực lượng không nghỉ phép trong thời gian này, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; các hạt cũng tích cực hỗ trợ chủ rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đối với các đơn vị chủ rừng, cần tăng cường thêm lực lượng để tuần tra. Đối với vụ cháy rừng xảy ra tại Đa Rao, hiện nay, kiểm lâm đang phối hợp với chủ rừng, các bên có liên quan để xác định mức độ thiệt hại, điều tra nguyên nhân xảy ra cháy.  

____________________________________________________

Khánh Vĩnh hiện có hơn 106.233ha rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu giao cho 2 chủ rừng lớn là: Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa quản lý hơn 41.406ha; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương quản lý hơn 39.201ha. Địa phương xác định, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao lên đến hơn 11.354ha (chưa tính rừng trồng của hộ gia đình), trong đó có hơn 6.753ha rừng tự nhiên và hơn 4.600ha rừng trồng và rất nhiều diện tích rừng sản xuất của hộ gia đình.


Theo: Báo Khánh Hòa