Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khánh Vĩnh lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở các điểm xung yếu

Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường của bão số 6, mưa lớn, lũ thượng nguồn xảy ra bất cứ lúc nào, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã yêu cầu các địa phương lên phương án để đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực xung yếu.

Nguy cơ mất an toàn

Theo thống kê của UBND huyện Khánh Vĩnh, hiện nay trên địa bàn huyện có 27 điểm cầu, cống tràn, đường giao thông dễ bị ngập sâu, chia cắt giao thông. Đây là những khu vực dễ gây ra nguy cơ mất an toàn cho người dân mỗi khi có mưa lớn. Bởi khác với khu vực đồng bằng, Khánh Vĩnh có độ dốc cao nên mỗi khi có mưa to, nước lũ đổ về rất nhanh, lưu lượng nước lớn và có tốc độ dòng chảy cao. Chỉ cần  người dân chủ quan khi đi qua các điểm xung yếu, tai nạn chết người rất dễ xảy ra. Trong các năm 2015, 2016 trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ chết người do đi qua khu vực cầu tràn, nước lớn ở xã Khánh Nam và xã Sơn Thái. Ngoài ra, đa phần các xã trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đều có khu vực đất sản xuất phải đi qua các sông, suối lớn. Khi có lũ, nước lên rất nhanh, nguy cơ mất an toàn cho người dân khi đi sản xuất…

Đặc biệt, toàn huyện có hàng trăm hộ dân ở gần sông Cái, sông Trò có khả năng bị sạt lở bất cứ lúc nào. Mặc dù trước đó, UBND huyện đã tái định cư cho hàng trăm hộ ven sông, suối về khu vực xã Sơn Thái và Giang Ly. Tuy nhiên, số gia đình thuộc diện có nguy cơ bị sạt lở vẫn còn rất nhiều. Trong đó, xã Cầu Bà, xã Sơn Thái là 2 địa phương còn nhiều nhất với khoảng 50 hộ. Các địa phương còn lại, địa phương nào cũng có hộ dân thuộc diện nguy hiểm mỗi khi có lũ thượng nguồn tràn về.

Ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, với địa hình có độ dốc cao, các khu dân cư đều ở những thung lũng được bao bọc bởi đồi núi nên nước lũ thường về nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhà tạm, nhà ở ven sông, dưới chân đồi cao dễ gây sạt lở. Điều này khiến cho nguy cơ mất an toàn đối với người dân là rất cao. Chính vì vậy công tác đảm bảo an toàn cho người dân ở các điểm xung yếu được huyện đặt lên hàng đầu và yêu cầu tất cả các xã phải nghiêm túc thực hiện.

Cầu tràn Thác Ngựa là địa điểm từng xảy tai nạn chết người khi có mưa lũ.

Sẵn sàng ứng phó

Để chủ động công tác ứng phó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Khánh Vĩnh đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị gồm: 549 áo phao; 17 phao bè; 920 phao tròn cứu sinh; 2 xuồng nhôm; 5.000m dây thừng cứu hộ… Trong đó, các áo phao và dây thừng cứu hộ đã được xuất kho, sẵn sàng ứng phó. Tại các điểm trọng yếu là các cầu tràn, chỉ đạo các địa phương tập trung phương tiện, thiết bị sẵn sàng tại đây, khi nước lớn sẽ cấm đường, không cho người dân lưu thông để đảm bảo an toàn. Các xã Giang Ly, Liên Sang hiện còn 86 nhà tạm, dễ tốc mái, UBND các xã sẽ tiến hành di dời người dân về nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra.

Ông Lê Kim Sung – Chủ tịch xã Cầu Bà cho biết, hiện nay công tác ứng cứu đã sẵn sàng theo kế hoạch của huyện. Lực lượng phòng chống bão lụt của xã tục trực 24/24, ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao nếu người dân cần trợ giúp lực lượng sẽ xuống giúp dân. Cả xã có khoảng 30 hộ ở ven sông Cái, có nguy cơ sạt lở cao. Các hộ này đã được tuyên truyền và sẵn sàng trong tư thế di dời. Sau khi bão vào, lũ thượng nguồn có thể đổ về bất cứ lúc nào, do đó địa phương đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất ở trường tiểu học của xã để 30 hộ dân ở ven sông có thể chuyển sang. Bên cạnh đó, xã có một đập tràn có nguy cơ gây mấy an toàn cũng đã có lực lượng xung kích túc trực khi nước lớn. Đối với những hộ có nương rẫy ở xa, bắt đầu từ chiều 10-11, xã đã vận động bà con ở nhà không đi rẫy. 

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường – Phó phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, khi mưa lũ xảy ra, các khu vực dễ sạt lở và các cầu tràn phải được đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, luôn có lực lượng túc trực. Huyện đã yêu cầu các xã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông, suối. Đối với những tuyến đường bị ngập sâu đều có biển cấm, nếu không an toàn sẽ cấm lưu thông. Bên cạnh việc ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn người dân, địa phương cũng đã làm việc và yêu cầu các cửa hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn ký cam kết bình ổn giá cả, không tăng giá trước, trong và sau thời gian có thiên tai; sẵn sàng cung cấp hàng hoá khi địa phương trưng dụng để hỗ trợ người dân.

Đình Lâm – Vĩnh Thành

Theo: Báo Khánh Hòa