Thời gian gần đây, trên Quốc lộ 27C (đường Cầu Lùng – Khánh Lê) qua các xã: Sông Cầu, Cầu Bà và thị trấn Khánh Vĩnh xuất hiện gần cả chục điểm khai thác đất trái phép, làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường.

Bạt núi cải tạo mặt bằng

2 năm gần đây, hiện tượng khoét núi, cải tạo mặt bằng hay lấy đất san lấp diễn ra khá phổ biến dọc Quốc lộ 27C. Đi từ xã Sông Cầu qua thị trấn Khánh Vĩnh đến Cầu Bà, chúng tôi phát hiện hàng loạt các điểm khoét núi, san lấp, cải tạo mặt bằng 2 bên đường. Khu vực Sông Cầu có 2 điểm. Khu vực Cầu Bà thì ít hơn, song tại thị trấn Khánh Vĩnh xuất hiện hàng loạt các điểm cải tạo, san lấp. Trong đó, có 2 điểm cải tạo đất quy mô. Một điểm thuộc khu vực tổ 6, thị trấn Khánh Vĩnh, chủ mặt bằng đã cho xây dựng nhà theo kiểu hotel rất đẹp. Một điểm khác nằm cuối dốc A Meo, hình thành một điểm du lịch, xây dựng nhà sàn kiên cố.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Một điểm khai thác đất lén lút tại xã Sông Cầu.

Một điểm khai thác đất lén lút tại xã Sông Cầu.

Sở dĩ tình trạng khai thác đất chưa dừng lại là do lợi nhuận của việc cải tạo hay chở đất đi bán đều rất cao. Ông S. – người dân thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, giá đất mặt tiền ven Quốc lộ 27C khá cao, bình quân 40 – 60 triệu đồng/m (tính theo mét tới). Còn đất san lấp 500 – 700 ngàn đồng/xe tải. “Ông L., người có thân thế ở đây, năm ngoái đã cải tạo hàng ngàn mét vuông đất lâm nghiệp, bán lấy tiền. Ông này còn xây nhà trọ cho thuê 1 – 1,5 triệu đồng/căn. Có điều lạ, đất bán thuộc vùng quy hoạch nhưng vẫn được cấp sổ”, ông S. nói.

Tuy tình trạng khoét núi, bạt đồi cải tạo mặt bằng xảy ra khá lâu nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng không thực sự quyết liệt. Dư luận thờ ơ đã tạo cơ hội cho các hoạt động khoét núi bùng phát. “Tổ dân phố đã báo cáo tình hình mỗi khi xuất hiện các điểm cải tạo lấy đất san lấp, nhưng chính quyền địa phương ít quan tâm và còn trông chờ vào sự chỉ đạo của trên”, một cán bộ tổ dân phố thị trấn Khánh Vĩnh cho biết.

100% là trái phép

Ông Phan Văn Phương – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, các trường hợp đào núi, san lấp trên địa bàn đều có đơn xin phép. Vì không thuộc thẩm quyền nên thị trấn chuyển đơn cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét. Trường hợp cải tạo đất trái phép tại tổ 6, trong thời gian chờ xem xét vẫn cải tạo đã bị thị trấn xử phạt 4 triệu đồng và tạm dừng hoạt động. Đối với hoạt động cải tạo mặt bằng của Tịnh xá Ngọc Pháp, khu vực này thuộc địa bàn xã Sông Cầu, thị trấn đã phối hợp với xã Sông Cầu xử lý. Hai điểm khác hình thành giống như khu du lịch, một tại dốc A Meo có giấy phép xây dựng nhưng chưa hoạt động nên chưa xử lý, điểm khác tại tổ 5, của hộ ông Nguyễn Anh Tuấn có giấy phép kinh doanh, dự định xây trung tâm tiệc cưới cũng chưa xử lý.

Liên quan đến việc chuyển nhượng đất ven Quốc lộ 27C nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được cấp sổ, ông Phương cho rằng, nếu đất không có tranh chấp, đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, diện tích thì thị trấn kiến nghị cơ quan chức năng xem xét. “Tuy nhiên, việc có cấp sổ hay không là do cơ quan phụ trách đất đai huyện xem xét, không thuộc trách nhiệm của thị trấn”, ông Phương nói. Khi phóng viên nêu vấn đề dù có giấy phép xây dựng hay đăng ký kinh doanh, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép cải tạo môi trường đều là trái phép thì ông Phương không trả lời.

Ông Lê Kim Sung – Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, trên địa bàn không có nhiều hoạt động san lấp, chỉ có một trường hợp cải tạo làm nhà ở và đã xử lý. Ông này còn khẳng định, nếu các hoạt động cải tạo đất làm ảnh hưởng đến Quốc lộ thì sẽ bị Chi cục Quản lý đường bộ III.3 “tuýt còi” ngay.

Liên quan đến việc cải tạo đất trên địa bàn xã Sông Cầu, ông Nguyễn Ngọc Hoa – Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương vừa xử lý 2 trường hợp. Trong đó, 1 trường hợp lấy đất chở đi nơi khác, bị xử phạt 7 triệu đồng; trường hợp san ủi mặt bằng (Tịnh xá Ngọc Pháp) thuộc thẩm quyền xử lý của huyện. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể bố trí lực lượng theo dõi hàng ngày nên tình trạng khai thác đất lén lút vẫn tái diễn.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, hiện nay, việc đào núi tại Khánh Vĩnh chủ yếu lấy đất cải tạo mặt bằng tại chỗ, không vận chuyển đất ra ngoài, bởi địa hình miền núi không bằng phẳng, cùng với sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế – xã hội nên nhu cầu về đất đai, nhà ở đang tăng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, việc cấp phép khai thác đất san lấp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên người dân gặp khó khăn về thủ tục và đi lại. Từ đó, có người đã bất chấp tự ý cải tạo. Các trường hợp này, UBND huyện đã đình chỉ và tuyên truyền cho người dân về các quy định của pháp luật. Trường hợp khai thác đất cung cấp cho các công trình trong và ngoài huyện, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Ông Lê Văn Hoàng – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Khánh Vĩnh khẳng định, hiện tại, các hoạt động khai thác đất diễn ra trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đều là không phép. Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến người dân, nâng cao trách nhiệm công tác quản lý nhà nước, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường, Công an huyện và các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Ngoài ra, huyện còn ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hàng năm, yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện về việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

V. LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa