5 năm qua, nhiều chính sách dân tộc được thực thi hiệu quả, từng bước cụ thể hóa vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội huyện Khánh Vĩnh không ngừng phát triển.
Thay đổi đời sống người dân
Gia đình ông Hà Mon ở thôn Đá Trắng là một trong những hộ nghèo của xã Cầu Bà. Có hơn 1ha đất, gia đình ông trồng bắp, trồng mì nhưng vẫn không đủ ăn nên phải làm thuê, làm mướn để trang trải sinh hoạt gia đình. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, gia đình ông được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để chuyển đổi mô hình sản xuất. “Mình mua giống để trồng 1ha bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình còn được hỗ trợ một con bò cái giống của chương trình nông thôn mới. Vừa rồi, bò mẹ đã sinh sản nên vợ chồng mình rất phấn khởi, sẽ tiếp tục chăm sóc để gây dựng đàn bò. Mình tin cây bưởi da xanh và chăn nuôi bò sẽ giúp mình thoát nghèo”, ông Hà Mon chia sẻ.
Ông Hà Thiêm Thoan (người Tày) ở thị trấn Khánh Vĩnh có vườn cây ăn quả (1.700 gốc chuối, 200 gốc chanh, 200 gốc bưởi da xanh) cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Được Hội Nông dân tín chấp cho vay vốn, ông Thoan đã chuyển đổi mô hình cây ăn quả khá tốt, không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thị trấn Khánh Vĩnh. 5 năm qua, chỉ riêng chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Khánh Vĩnh đã có 624 hộ tham gia mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp là 6,826 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định số 596 của UBND tỉnh, toàn huyện có 26.607 hộ được thụ hưởng với kinh phí thực hiện 5,739 tỷ đồng, gồm hiện vật bằng giống cây trồng hoặc hỗ trợ tiền mặt cho hộ không có đất đai để mua vật nuôi theo nhu cầu. Ngoài ra, hộ DTTS còn được thụ hưởng nhiều chương trình vay vốn ưu đãi lãi suất thấp. Trong đó, thực hiện theo Quyết định 3347 của UBND tỉnh thì hộ nghèo người DTTS nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất 100% và hộ cận nghèo sẽ được tỉnh hỗ trợ lãi suất 75%; mức vay tối thiểu là 20 triệu đồng/hộ/lần vay và tối đa là 50 triệu đồng/hộ/lần vay. Chính sự hỗ trợ này đã giúp cho hàng trăm hộ có điều kiện chuyển đổi mô hình kinh tế để giảm nghèo.
Từ năm 2016-2018, ngân sách nhà nước cấp cho Khánh Vĩnh 22,380 tỷ đồng; vốn đóng góp người dân 2,567 tỷ đồng, vốn từ ngân sách địa phương 2,237 tỷ đồng; vốn viện trợ nước ngoài 6,038 tỷ đồng…. Từ nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, giúp bà con xóa nhà dột nát, xây dựng hệ thống thủy lợi, kiên cố kênh mương nội đồng, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, hỗ trợ dân xây dựng mô hình sản xuất…. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được huyện Khánh Vĩnh đầu tư lồng ghép với các chương trình kinh tế khác để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ. Ngoài cây lương thực, thực phẩm, nông dân trong huyện đã chuyển đổi sang trồng keo lai, cây bưởi da xanh, mít, sầu riêng… cho thu nhập cao. Trong đó, việc xây dựng mô hình bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, được công nhận chất lượng tốt đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản này.
Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Khánh Vĩnh đã tăng lên 14 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 43,98%. Già làng Cao Đàm ở thôn Gia Rú, xã Khánh Thành chia sẻ: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm nên kinh tế đồng bào các dân tộc đã ổn định hơn trước đây; điện, đường, trường, trạm… đã có đầy đủ. Bà con giờ rất an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự xã hội thôn xóm, bảo vệ bản sắc văn hóa của mình”.
Cần giải pháp bền vững
Khánh Vĩnh hiện có 38.977 người dân với 15 dân tộc anh em sinh sống. Theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Khánh Vĩnh có 10 xã thuộc khu vực III, chiếm 71,4%; 2 xã thuộc khu vực II, chiếm 14,2%; 2 xã thuộc khu vực I, chiếm 14,2%. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Khánh Vĩnh còn tồn tại những khó khăn cần được giải quyết, nhất là tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào DTTS còn rất cao, chiếm 90% tổng số hộ nghèo trong huyện. Nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Huyện phấn đấu đến năm 2024, sẽ giảm hộ nghèo còn dưới 30%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 20,5 triệu đồng/người/năm; 98% hộ đồng bào có điện sinh hoạt, 95% hộ đồng bào có nước sinh hoạt, hàng năm tạo việc làm mới cho 1.000 lao động….
Ông Mấu Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện sẽ tiếp tục triển khai lồng ghép các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững như mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản giúp bà con các dân tộc có ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của một bộ người dân. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh sẽ tiếp tục được thực hiện chất lượng, hiệu quả hơn. Trong đó, đặc biệt coi trọng đầu tư các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
KIM OANH
Theo: Báo Khánh Hòa