Đến thời điểm này, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã chuẩn bị mọi mặt về nhân lực, vật lực…, sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Khó khăn của huyện hiện nay là các công trình phân cấp của tỉnh vẫn chưa được bổ sung vốn để sửa chữa, nâng cấp. 
Chủ động “4 tại chỗ”
Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết, đến thời điểm này, phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2019 của xã đã sẵn sàng. Về nhu yếu phẩm, xã đã hợp đồng với các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn chủ động gạo, mì tôm khi cần thiết. Xã cũng đã hợp đồng xe vận chuyển vật liệu, người khi sơ tán. Ngoài ra, lực lượng thường trực PCTT tại UBND xã là 1 trung đội dân quân, tại 3 thôn, mỗi thôn 12 người gồm dân quân và thanh niên, trung niên khỏe mạnh, biết bơi, sẵn sàng cứu người, cứu tài sản khi có sự cố xảy ra. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có ý thức hơn trong việc chằng, chống nhà cửa vào mùa mưa bão. Xã sẽ hỗ trợ đồng bào cát và bao cát để phục vụ việc bảo vệ nhà cửa. 
Cầu Thác Ngựa hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Cầu Thác Ngựa hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp.
Tại xã Liên Sang, công tác ứng phó với bão lũ được xã quan tâm. Ông Ngô Đình Thái – Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, xã đã kiện toàn ban chỉ huy và phương án PCTT mới, bổ sung một số điểm xung yếu, sạt lở; bố trí các điểm sơ tán kiên cố như trường học; mua sắm áo phao, áo mưa, đèn pin, dây thừng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Xã đã hoàn thành việc lắp đặt biển báo khu vực nguy hiểm; sửa chữa cống, tràn bị hư hỏng. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã tổ chức giằng, kéo căng cáp cầu treo. Về lực lượng, xã chuẩn bị sẵn 1 trung đội dân quân và 3 tổ xung kích tại 2 thôn. Xã hợp đồng với các cửa hàng, doanh nghiệp chuẩn bị nhu yếu phẩm, xe tải nhẹ sẵn sàng chở người, vật tư sơ tán.  
Về phía huyện, công tác kiện toàn, xây dựng phương án phòng, chống lụt bão năm 2019 hoàn thành từ khá lâu. Toàn huyện hiện có 85 điểm xung yếu, chủ yếu là các cầu, cống tràn, ngầm qua suối, đoạn đường trũng thấp… Tùy theo diễn biến bão hay mưa lũ, huyện sẽ chủ động sơ tán hơn 1.700 hộ, gần 7.000 nhân khẩu. Ngoài nguồn lực tại chỗ là trung đội dân quân các xã, thị trấn, huyện còn hiệp đồng với các lực lượng quân đội như: Cơ quan Quân sự huyện, Lữ đoàn Công binh 293, Học viện Hải quân, Trường Sĩ quan Thông tin, tổng cộng gần 800 cán bộ, chiến sĩ… Huyện đã chuẩn bị và cấp phát gần 1.500 phao, áo phao cứu sinh, 44 nhà bạt, gần 5.000m dây thừng, 2 thuyền nhôm, 17 phao bè, 1 xuồng cứu sinh… Về nhu yếu phẩm, huyện chuẩn bị hơn 56 tấn gạo, hơn 37.000 gói mì tôm, 1.875 lít dầu hỏa… 
Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, quán triệt nhiệm vụ PCTT là công việc khẩn cấp, chủ động, huyện đã chuẩn bị mọi mặt về nhân lực, vật lực… Mới đây, đoàn kiểm tra công tác PCTT của tỉnh đã kiểm tra, nhắc nhở huyện một số vấn đề cần quan tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị tốt công tác di dời dân đến nơi an toàn trước khi mưa bão xảy ra. Huyện cũng kiến nghị tỉnh cấp kinh phí để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ 15 máy phát điện và một số vật tư, phương tiện như áo phao, nhà bạt…
Đề nghị bổ sung vốn công trình cấp tỉnh 
Năm 2019, huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm sửa chữa các công trình bị hư hỏng do bão lụt. Đối với các công trình nhỏ, xã có thể đảm đương được thì phân cấp cho xã thực hiện; công trình loại vừa huyện trực tiếp thực hiện. Theo lãnh đạo Phòng Tài chính Khánh Vĩnh, năm 2019, huyện đã thực hiện các công trình, hạng mục với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ kế hoạch đầu tư công năm 2019 do huyện quản lý gần 26 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 24 tỷ đồng. 
Theo ông Huỳnh Nhàn – Trưởng phòng Tài chính huyện, hiện nay, nhiều công trình giao thông phân cấp do tỉnh quản lý trên địa bàn đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng nhưng chưa được tỉnh bổ sung vốn thực hiện như: Cầu Thác Ngựa (thị trấn Khánh Vĩnh), cầu Khánh Đông… Huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình phân cấp để phục vụ người dân đi lại, giao thông, đặc biệt trong mùa mưa bão. 

Theo: Báo Khánh Hòa