Thực hiện mục tiêu đưa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025; phát triển nhanh và bền vững; xây dựng thành các “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt các đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của 2 huyện này trong giai đoạn 2022-2025.
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu
Theo ông Mấu Thái Cư – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn, những năm qua, Trung ương và tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đối với các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương miền núi còn cao. Việc UBND tỉnh phê duyệt đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của 2 huyện miền núi giai đoạn 2022-2025 sẽ giúp các địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; giúp các địa phương miền núi thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Các đề án tổng thể giảm nghèo bền vững của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh giai đoạn 2022-2025 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện giảm từ 7% trở lên, đến cuối năm 2025 đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020; đến cuối năm 2023, ở cả 2 huyện không còn hộ nghèo có thành viên là người có công. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án của huyện Khánh Sơn giai đoạn 2022-2025 hơn 1.705 tỷ đồng; huyện Khánh Vĩnh hơn 1.268 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2022-2025, 2 huyện miền núi sẽ được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: cầu, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi… Hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương sẽ được hỗ trợ xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định… Bên cạnh đó, phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu hỗ trợ… thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở 2 huyện miền núi được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập. Đối với giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, đề án của các huyện sẽ tập trung giải quyết những chỉ tiêu liên quan đến chiều thiếu hụt về: việc làm; y tế; giáo dục, đào tạo; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
Vận động người dân giữ đất, phát triển kinh tế
Theo bà Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, trên cơ sở đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, hàng năm, huyện sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện. Trên cơ sở quyết định của Trung ương, của tỉnh về nguồn vốn được cấp hàng năm và giai đoạn 2022-2025, địa phương sẽ tiến hành rà soát xây dựng danh mục các dự án cần đầu tư cơ sở hạ tầng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, rà soát kinh phí để triển khai thực hiện các mô hình, chính sách liên quan đến việc hỗ trợ các chiều thiếu hụt. Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực của địa phương, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, đề án khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Địa phương cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan lập hồ sơ triển khai, sử dụng các nguồn vốn thực hiện đề án theo đúng quy định, chỉ sử dụng cho mục tiêu giảm nghèo, không sử dụng cho mục tiêu khác, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí.
Lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Để triển khai hiệu quả đề án, huyện sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường quản lý nhà nước đối với công các giảm nghèo bền vững; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trên địa bàn nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Địa phương sẽ chú trọng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với điều kiện của từng hộ; vận động người dân giữ đất sản xuất, hướng dẫn người dân cách thức làm ăn hiệu quả, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo ở địa phương. Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội…
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở: Lao động – Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu UBND tỉnh; hỗ trợ 2 huyện miền núi triển khai thực hiện hiệu quả các đề án tổng thể giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025.
HẢI LĂNG