Do ảnh hưởng thời tiết thất thường, nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã bị rụng hoa, rụng trái non. Nông dân các xã đang tập trung chăm sóc để đảm bảo năng suất, chất lượng vụ sầu riêng năm nay.

Hoa, quả non rụng nhiều

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Gia đình ông Bo Bo Khá (Tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) có gần 120 gốc sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Vào đầu tháng 4, khi sầu riêng đang độ ra hoa, chuẩn bị kết trái thì gặp mưa lớn bất thường khiến hoa rụng rất nhiều, cây nào cũng rụng hơn 50% lượng hoa trên cành. Không dừng lại ở đó, liên tục thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện mưa nhiều, gió lớn làm trái non trên cành rụng thêm. Vụ sầu riêng năm nay, chắc chắn gia đình ông thất thu vì tỷ lệ quả trên cành chỉ còn 60% so với mọi năm.



Vườn sầu riêng của gia đình ông Bo Bo Khá bị rụng nhiều trái non.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Bo Bo Khá bị rụng nhiều trái non.



Nhiều nhà vườn trồng sầu riêng ở các xã: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trung, Thành Sơn… cũng rơi vào cảnh tương tự. Đơn cử tại vùng sầu riêng Sơn Lâm, hầu hết các nhà vườn, cây sầu riêng đều có hoa, quả non bị rụng. Qua nắm bắt sơ bộ của UBND xã Sơn Lâm, 340ha sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh của địa phương đều bị ảnh hưởng, với tỷ lệ rụng trái non khoảng 20-30% tùy vườn, thậm chí có vườn bị rụng hơn 40% quả non. Ông Cao Văn Hùng (xã Sơn Lâm) cho hay: “Mưa không đều, đầu năm nắng kéo dài, trong tháng 4 xuất hiện 3 đợt mưa lớn khiến tỷ lệ đậu quả của cây sầu riêng năm nay ít hơn mọi năm. Như vườn của gia đình tôi có hơn 100 cây sầu riêng, tỷ lệ đậu quả chỉ hơn 40%”.    


Theo ông Đỗ Nhi Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện có hơn 1.920ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng 1.000ha trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa vừa đến mưa to trong giai đoạn cây ra hoa, đậu quả nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây sầu riêng; ước tính tỷ lệ sầu riêng bị rụng trái non tại các nhà vườn khoảng 30%. Ngoài ra, thời tiết thất thường còn tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh xuất hiện trên cây sầu riêng. Cụ thể, trên địa bàn có khoảng 77ha bị ảnh hưởng bởi bệnh xì mủ, 72ha bị ảnh hưởng bởi bệnh thán thư, 63ha xuất hiện rầy nhảy gây hại…   

Tập trung chăm sóc


Với những diễn biến thất thường của thời tiết năm nay, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng, nhất là cây sầu riêng đang vào vụ mùa nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng. Trong đó, các nhà vườn cần lưu ý, đối với những vườn sầu riêng bị ảnh hưởng nhẹ, số lượng trái vẫn còn nhiều trên cành thì tiếp tục chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho cây để sầu riêng không tiếp tục rụng trái non. Đối với những vườn tỷ lệ rụng hoa, rụng trái quá nhiều thì người dân nên xử lý để kích thích cây ra hoa lại.


Ông Bo Bo Khá chia sẻ: “Qua tập huấn, để chăm sóc số sầu riêng còn lại trên cây, trong giai đoạn hoa xổ nhụy, bên cạnh giữ ẩm, không để đất bị khô, tôi còn phun thuốc Hi Potassium C30 để giúp cây xổ nhụy – đậu trái cao; sau đó tiếp tục phun thuốc MKP để cây hạn chế ra đọt non mà tập trung nuôi quả. Hay như để xử lý bệnh xì mủ, tôi đã làm theo hướng dẫn, khi thăm vườn, phát hiện cây chảy nhựa thì dùng dao cạo hết phần bị thối nâu, sau đó bôi thuốc lên để vết bệnh khô hẳn. Ngoài ra, từ nay đến giai đoạn thu hoạch, tôi sẽ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật khác để cố gắng nâng năng suất, đảm bảo chất lượng sầu riêng năm nay”.  


Theo khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, trong giai đoạn xổ nhụy – đậu quả mà gặp mưa thì cây rất dễ ra đọt non. Vì vậy, người dân cần phun thuốc đã được hướng dẫn để điều khiển, chặn việc cây ra đọt non giúp cho quá trình thụ phấn, đậu quả được tốt hơn. Trong các giai đoạn hoa xổ nhụy, đậu quả non từ 15-20 ngày cần phun các loại phân bón lá theo khuyến cáo để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế hiện tượng cháy múi. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để kiểm tra, nắm bắt diễn biến của các loại sâu bệnh, áp dụng các giải pháp đã được hướng dẫn để phòng trừ rệp sáp, rầy xanh, rầy nhảy, sâu đục quả…


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202205/khanh-son-sau-rieng-bi-thiet-hai-do-thoi-tiet-8251021/