Trước đây, Khánh Sơn là địa phương có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khá cao. Từ năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Nhờ đó, địa phương đã chấm dứt được tình trạng hôn nhân cận huyết thống và giảm số vụ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Những hệ lụy

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, do đặc thù là huyện miền núi, trình độ dân trí thấp nên việc tiếp thu, nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Đa số các trường hợp tảo hôn là người dân tộc thiểu số, nghỉ học sớm, ít có kiến thức về hôn nhân và gia đình. Có những trường hợp tảo hôn khi còn đang đi học tại các trường nội trú, điều kiện sống xa nhà, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc.

Tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc.

Tảo hôn khiến cuộc sống gia đình thiếu bền vững. Điển hình là trường hợp của Cao Thị Mai (17 tuổi) ở xã Ba Cụm Bắc. Năm 2017, mặc cho ba mẹ cấm cản, Mai lập gia đình khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Rồi Mai có thai nên phải nghỉ học. Khi Mai sinh con, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn do cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định, phụ thuộc vào bố mẹ, chồng Mai phải đi làm thuê khắp nơi. Sức khỏe của Mai sút giảm sau khi sinh con ở độ tuổi quá nhỏ; con của Mai cũng thường xuyên bị bệnh tật.

Chị Cao Thị Tăng – chuyên trách dân số xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Dù đã làm giấy khai sinh nhưng phần thông tin cha đứa bé hiện tại còn để trống và cặp vợ chồng trẻ này đến nay vẫn chưa được pháp luật công nhận”.

Chuyển biến rõ rệt

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, đến nay, huyện Khánh Sơn không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, số vụ tảo hôn đã có sự chuyển biến rõ rệt. Cụ thể, năm 2015 có 22 trường hợp; năm 2016 có 43 trường hợp; năm 2017 có 10 trường hợp; năm 2018 có 20 trường hợp; từ đầu năm 2019 đến nay chỉ có 2 trường hợp.

9 tháng năm 2019, ngành Dân số huyện phối hợp với Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tổ chức lớp truyền thông về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tiền hôn nhân cho 57 học sinh; tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, nói chuyện chuyên đề 27 buổi/542 đối tượng tham dự và thăm 85/85 hộ gia đình với nội dung truyền thông về chất lượng cuộc sống, mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Từ năm 2018 đến nay, Khoa Dân số – Kế hoạch hóa gia đình huyện đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về tảo hôn cho hơn 500 đại biểu là người có uy tín, cán bộ xã, thôn, bản; in ấn, cấp phát hơn 20.000 tờ gấp tuyên truyền “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết”; tổ chức các cuộc thi về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại trường dân tộc nội trú huyện, thu hút hơn 1.000 học sinh tham gia. Nhiều địa phương đã chủ động, tích cực lồng ghép tuyên truyền nội dung về tảo hôn qua các hội nghị, tập huấn, đài phát thanh, câu lạc bộ… Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên nhận thức của người dân được nâng cao. “Tôi sinh được 5 đứa con, nuôi khổ lắm, không có đứa nào ăn học đến nơi đến chốn. Hồi đó, con gái tôi 17 tuổi, tôi định gả chồng cho nó nhưng được cán bộ dân số xuống vận động, khuyên không cho con lấy chồng sớm, nên gia đình tôi viết cam kết đợi cháu đủ tuổi mới cho kết hôn”, bà Cao Thị The (xã Sơn Lâm) nói.

Bà Mấu Thị Khuyết – Phó Trưởng khoa Dân số – Kế hoạch hóa gia đình huyện cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là phong tục tập quán của đồng bào đã ăn sâu vào tiềm thức; trong khi đó, các tuyên truyền viên hầu hết là người Kinh nên công tác tuyên truyền ít phát huy tác dụng do những cản trở trong giao tiếp… Đối với những thôn nằm cách xa trung tâm huyện, giao thông cách trở thì việc đi đến tận nơi để tuyên truyền còn hạn chế. Mặt khác, hàng năm, nguồn kinh phí cho đề án không có nên việc thực hiện đề án chủ yếu là lồng ghép vào các hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, nguồn chi hỗ trợ cho người làm công tác dân số ở cơ sở từ nhiều năm nay chưa được cấp kịp thời, các hoạt động truyền thông tại địa phương không có kinh phí thực hiện nên công tác truyền thông ở tuyến huyện và tuyến xã cũng bị mờ nhạt.

Theo bà Khuyết, thời gian tới, khoa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức, ý thức của thế hệ trẻ; quan tâm thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn để các em chia sẻ tâm tư… Đối với địa phương, cần tăng cường công tác giáo dục ở trường nội trú, bán trú; làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm về tảo hôn để răn đe, giáo dục, làm gương…

THANH TRÚC
 

Theo: Báo Khánh Hòa