Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khánh Sơn: Đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã đẩy mạnh các kênh tín dụng phục vụ người dân phát triển sản xuất, nhất là trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. 


Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Khánh Sơn, với mục tiêu không để người dân thiếu vốn sản xuất, ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác triển khai các kênh tín dụng đến đoàn viên, hội viên, đảm bảo những hộ có nhu cầu đều tiếp cận được nguồn vốn vay. Vì thế, hoạt động tín dụng tại Khánh Sơn sôi động ngay từ đầu năm. Hiện tại, địa phương đang trong thời điểm nắng hạn nên nhu cầu vay vốn đầu tư phân bón, hệ thống máy móc để chăm sóc, tưới tiêu cho cây trồng tăng cao. 2 tháng đầu năm, NHCSXH huyện đã giải ngân theo các kênh tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch vệ sinh môi trường hơn 6,7 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với 2 tháng đầu năm 2019.



Người dân Khánh Sơn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.


Năm 2019, gia đình ông Thái Mạnh Hưng (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) đăng ký chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng theo Quyết định 1609 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, cây trồng mới xuống giống chưa được bao lâu thì gặp thời tiết nắng hạn kéo dài. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, đầu năm 2020, gia đình ông đăng ký vay thêm 50 triệu đồng theo kênh tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH huyện. “Với nguồn vốn này, gia đình tôi có điều kiện đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mua phân bón để chăm sóc, phòng chống hạn kịp thời cho cây trồng. Nhờ đó, 200 cây sầu riêng mới trồng của gia đình hiện nay đang phát triển rất tốt”, ông Hưng chia sẻ. 


Từ năm 2017 – 2019, huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi hơn 800ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao theo Quyết định 661 và 1609 của UBND tỉnh, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên khoảng 2.700ha, phần lớn là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, quýt đường, măng cụt. Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, mùa khô ngày càng khắc nghiệt hơn, đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều hơn cho công tác chăm sóc, tưới tiêu, nhất là đối với những diện tích cây trồng do Nhà nước hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đóng vai trò không thể thiếu, tạo nguồn lực để người dân phát triển sản xuất. 


Ông Thái Thành Hòa – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Chi Chay cho biết, tổ của ông có 40 thành viên và hiện nay đều đã được vay các nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nhờ nguồn vốn này đã giúp các tổ viên có điều kiện đầu tư chăm sóc, phòng chống hạn cho cây trồng kịp thời. Trong tổ cũng không có trường hợp nợ quá hạn hay chây ì không trả nợ ngân hàng. 


Theo ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Khánh Sơn, tính đến cuối tháng 2-2020, tổng dư nợ các kênh tín dụng đạt gần 200 tỷ đồng. Trong đó, các kênh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nước sạch vệ sinh môi trường chiếm hơn 95%. Để tạo thuận lợi cho người dân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng trong quá trình làm thủ tục hồ sơ, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện. “Để tăng thêm nguồn lực cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, đến nay, các kênh tín dụng cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm đã nâng mức vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ. Riêng đối với nguồn vốn sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, hiện tại vẫn giữ mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Theo nhu cầu của nhiều khách hàng, hiện tại, NHCSXH huyện tiếp tục kiến nghị cấp trên nâng mức vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn cho người dân đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập”, ông Hưng nói. 


Đinh Luận



Theo: Báo Khánh Hòa