Những năm gần đây, khi những loại cây trái đặc sản của Khánh Sơn (Khánh Hòa) đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho địa phương cũng là lúc giá đất nơi đây tăng phi mã. Tuy là huyện miền núi đất rộng, người thưa, nhưng đất tăng giá khiến cho việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án của huyện gặp khó…
Những công trình chờ mặt bằng
Có mặt tại khu vực thi công kè bảo vệ bờ sông Tô Hạp (đoạn từ thị trấn Tô Hạp đến xã Sơn Hiệp), chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Chính (tổ dân phố Hạp Cường), hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi công trình. Bà Chính kể: “Nhà tôi có hơn 1 sào đất bị thu hồi để làm bờ kè. Trên diện tích đất đó có 10 cây sầu riêng đã cho thu trái ổn định mấy năm nay. Tính riêng mỗi cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng/năm. Giờ nhà nước thu hồi đất chỉ hỗ trợ 2,8 triệu đồng/cây. Tính ra, cả cây và đất, Nhà nước chỉ đền bù cho tôi 80 triệu đồng. Tôi xót lắm, nhưng Nhà nước làm kè thì phải chấp nhận thôi chứ đến mùa mưa lũ mà bị sạt lở thì thiệt hại còn nhiều hơn”.
Trên địa bàn xã Sơn Lâm hiện đang có 2 công trình chờ được giải phóng mặt bằng để thi công là đập dâng Suối Cối và đập dâng Suối Ngựa. Sự cần thiết của hai công trình này đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa chấp nhận mức đền bù. Ông Trịnh Minh Công – Phó Chủ tịch HĐND xã Sơn Lâm lý giải: “Trước đây, đất ở khu vực này có ai nói gì đến chuyện mua bán. Nhưng gần đây, giá đất sản xuất nông nghiệp tăng, nên việc vận động người dân đồng thuận với mức kinh phí hỗ trợ đã là rất khó chứ đừng nói đến chuyện vận động hiến đất”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lân – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tỏ rõ sự băn khoăn: “Năm nay, chúng tôi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện 12 dự án, công trình. Đây đều là những công trình quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Nhưng trầy trật mãi, chúng tôi mới giải phóng xong mặt bằng 3 công trình. Số còn lại vẫn đang chờ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất”. Theo ông Lân, để thực hiện công trình nâng cấp đường Hai Bà Trưng (thị trấn Tô Hạp), Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 7.489m2 đất. Sau 7 tháng thực hiện, kiên trì tuyên truyền, vận động 31 hộ dân bị ảnh hưởng mới đồng ý nhận đền bù, với tổng số tiền hơn 2,87 tỷ đồng. Công trình mở mới tuyến đường từ Tỉnh lộ 9 vào khu sản xuất Suối Phèn (xã Sơn Hiệp) còn gặp khó khăn gấp bội. Dù chỉ có 8 hộ bị ảnh hưởng, nhưng diện tích thu hồi đất lên đến hơn 12ha, nên việc vận động người dân nhận tiền đền bù phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở trong mấy tháng liền mới thành công. Ngoài 2 công trình trên, đến nay, cũng chỉ mới có thêm công trình đường vào nhà dài Sơn Hiệp (xã Sơn Hiệp) và công trình đường vào thác Cây Da (xã Ba Cụm Bắc) đã chi xong tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, vẫn còn 8 công trình, dự án chưa thu hồi xong diện tích đất bị giải tỏa. Có thể đơn cử các công trình: đường D9 (xã Sơn Trung), đập dâng Suối Cối, Suối Ngựa (xã Sơn Lâm), quảng trường công viên khu vực trước Đài tưởng niệm liệt sĩ huyện Khánh Sơn (thị trấn Tô Hạp), kè bảo vệ sông Tô Hạp (đoạn thị trấn Tô Hạp – Sơn Hiệp), điểm dừng chân đỉnh đèo (xã Ba Cụm Bắc)… Điều này khiến lãnh đạo huyện Khánh Sơn không khỏi lo lắng, nhất là khi mùa mưa đã cận kề.
Cần sự điều chỉnh
Từ khi các loại cây ăn quả bén rễ ở đất Khánh Sơn, giá đất trên địa bàn huyện đã tăng phi mã. Đây là lý do chính khiến cho công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn gặp khó. Hiện nay, mỗi héc-ta đất trồng cây ăn quả trên địa bàn có giá 500 – 700 triệu đồng, thậm chí ở những vị trí thuận lợi lên đến cả tỷ đồng. Trong khi đó, theo quyết định của UBND tỉnh, giá đền bù đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm tại huyện Khánh Sơn chỉ là 15.600 đồng/m2, còn giá đền bù đất trồng rừng chỉ là 2.600 đồng/m2…
Cuối tháng 6 vừa qua, tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Sơn Lâm, sau khi nghe lãnh đạo xã và huyện Khánh Sơn kiến nghị về vấn đề này, ông Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh mức giá đền bù, hỗ trợ đất, cây trồng để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Nhất là đối với việc hỗ trợ cây trồng cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Đối với việc triển khai xây dựng các công trình đường giao thông, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để làm đường. |
“Cứ mỗi khi triển khai thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chúng tôi lại gặp khó ở khâu xây dựng phương án giá đất cụ thể. Tuy đã áp dụng mức tối đa theo quy định, nhưng người dân vẫn không chịu nhận tiền đền bù vì cho rằng mức giá ấy quá thấp so với thị trường”, ông Lân cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận – Chủ tịch UBND huyện, hiện nay, Khánh Sơn đang sốt đất trồng cây ăn quả nên giá đất thực tế trên địa bàn tăng rất cao. Trong khi đó, giá đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình dự án đang áp dụng rất thấp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn. Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận trong việc nhận đền bù hỗ trợ, sớm bàn giao mặt bằng, nhưng công tác này vẫn gặp trở ngại. “Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xem xét điều chỉnh tăng mức đền bù hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất theo thực tế hiện nay”, ông Nhuận nói.
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy đa số người dân rất ủng hộ việc Nhà nước đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, mang lại lợi ích cộng đồng… Nhưng vì giá đất trên thị trường hiện nay khá cao, nên khi biết đất, cây trồng của mình bị giải tỏa thì nhiều hộ dùng dằng khi phải bàn giao mặt bằng. Người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh cần xem xét, điều chỉnh mức giá đền bù, hỗ trợ được hợp lý hơn. Để vừa đảm bảo việc triển khai thực hiện các công trình, dự án đúng tiến độ, vừa hài hòa được lợi ích của người dân.
Bích La – Giang Đình
Theo: Báo Khánh Hòa