Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, 7 xã của huyện miền núi Khánh Sơn đều chưa đạt các tiêu chí nhà ở, hộ nghèo, thu nhập. Vì vậy, địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Còn nhiều khó khăn

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Khánh Sơn có 7 xã tham gia chương trình NTM, nhưng đến hết năm 2022, các xã chỉ đạt 10-13/19 tiêu chí NTM. Thậm chí, chưa có xã nào chạm ngưỡng NTM đối với các tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm, y tế. Đến nay, huyện chỉ có 1 xã đạt tiêu chí lao động; 2 xã đạt tiêu chí trường học, tổ chức sản xuất.



Một góc xã Sơn  Bình. Ảnh: C.Đ - M.Phương

Một góc xã Sơn Bình. Ảnh: C.Đ – M.Phương



Ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có mức độ đạt chuẩn rất cao so với trước đây nên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình NTM trên địa bàn. Chẳng hạn tiêu chí lao động, trước đây chỉ cần lao động đã qua đào tạo, nay yêu cầu thêm chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt tối thiểu 20%. Ở tiêu chí y tế, với dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn huyện chiếm từ 41 đến 45%, trong khi để đạt chuẩn, con số này phải giảm xuống 24%. Tuy huyện cũng đã triển khai thực hiện các chương trình về dinh dưỡng, y tế, chăm sóc sức khỏe, sữa học đường… nhưng cần có thời gian mới có thể cải thiện được chiều cao, cân nặng của trẻ. Ngoài ra, hiện nay, việc đòi hỏi 50% dân số phải có sổ khám, chữa bệnh điện tử (hiện nay là 0%) trong điều kiện ở Khánh Sơn rất khó thực hiện, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp, ngành.


Với tiêu chí nhà ở, ngoại trừ xã Sơn Bình, 6 xã khác vẫn còn 766 ngôi nhà tạm, dột nát cần được đầu tư, xây dựng. So với tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán kiên cố thì chưa có xã nào đạt đến tỷ lệ theo yêu cầu (75% trở lên). Bên cạnh khó khăn về nhà ở, việc tăng thu nhập, giảm nghèo vẫn là thách thức không nhỏ tại Khánh Sơn. Hiện nay, mới chỉ có xã Sơn Bình đạt thu nhập bình quân đầu người 36,75 triệu đồng/người/năm, các xã khác phổ biến dưới 30 triệu đồng; trong khi xã đạt chuẩn NTM năm 2023 cần đạt thu nhập bình quân đầu người là 42 triệu đồng/người/năm trở lên, năm 2024 tối thiểu phải đạt 45 triệu đồng, năm 2025 là 48 triệu đồng. Khi thu nhập bình quân đầu người chưa đảm bảo, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo cũng nằm ở mức cao. Hiện nay, tuy xã Sơn Bình có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp nhất nhưng cũng gần 50%, các xã khác có xã lên tới 70%…

Tập trung tháo gỡ


Vừa qua, đoàn công tác của các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã làm việc với UBND huyện về tình hình triển khai chương trình NTM. Các thành viên trong đoàn cho rằng,  hiện nay, cùng với chương trình NTM, huyện còn triển khai Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững. Vì vậy, huyện cần có sự kết nối chặt chẽ giữa 3 chương trình này để đạt được mục tiêu nâng cao đời sống kinh tế, xã hội cho nhân dân, thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025.


Cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện cần tập trung rà soát, xác định chính xác tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, kịp thời đưa các hộ đã thoát nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo. Về đào tạo nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung phối hợp với địa phương, các trường nghề tổ chức đào tạo cho con em trên địa bàn để đạt chuẩn (hiện nay tỷ lệ xấp xỉ 18%).


Về dinh dưỡng cho trẻ em, theo đại diện Sở Y tế, hiện nay đã có dự án hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em ở Khánh Sơn trong 3 năm. Cùng với việc phối hợp triển khai dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền các cấp cũng kêu gọi các mạnh thường quân tổ chức nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho nhân dân, nhất là trẻ em. Về sổ khám, chữa bệnh điện tử, hiện nay, phần mềm đã có, địa phương cần tổ chức khám cho nhân dân để xây dựng dữ liệu y tế cộng đồng. Đối với vấn đề nhà ở, theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Nhà nước đã triển khai các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2024, giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn…


Bên cạnh đó, đoàn đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tập trung rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chí NTM; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình NTM năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, huyện xác định các nội dung phấn đấu hoàn thành; có giải pháp triển khai các nguồn lực một cách hài hòa, phù hợp; nỗ lực hoàn thành mục tiêu đưa xã Sơn Bình đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 15 tiêu chí vào năm 2025.


Hồng Đăng

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/xay-dung-nong-thon-moi/202303/khanh-son-can-no-luc-nhieu-hon-nua-8277499/