Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết năm 2021, tỉnh này sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 7,4%.
Một năm đầy sóng gió
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Khánh Hòa là một trong những địa phương đầu tiên xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng. Ngành du lịch vốn là thế mạnh bậc nhất của TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với mũi nhọn về du lịch, nghỉ dưỡng dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới
Hàng loạt các hãng hàng không đóng đường bay, hàng chục ngàn du khách không còn đến tỉnh này mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, thống kê: Tính đến tháng 12-2020, ngành bị thiệt hại nặng nề với tổng doanh thu năm 2020 chỉ đạt hơn 5.000 tỉ đồng, giảm 81%; lượng khách chỉ đón được khoảng 1,24 triệu lượt, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 87,8%. Chỉ riêng về du lịch, ước tính khoảng 60.000 người lao động bị mất việc làm, phải tìm việc khác để mưu sinh.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn cũng “đứng bánh” do nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc như: dệt may, giày da, sợi… Với thế mạnh về thủy sản, tôm hùm, cá mú, ngư dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì thiếu nguồn tiêu thụ do việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch gặp rất nhiều khó khăn; đường chính ngạch từ sản phẩm hải sản vấp phải thẻ vàng của Liên minh châu Âu.
Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) âm 10,5%, ngân sách hụt thu đến 30%.
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra 35 dự án có nhiều sai phạm trong quản lý nhà đất công tại những vị trí đắc địa, gây thiệt hại cho nhà nước. Liên quan đến các dự án, lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật, mất chức.
Triển vọng thu hút đầu tư
Theo ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, năm 2020, tỉnh có 9/16 chỉ tiêu kinh tế – xã hội không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, tỉnh Khánh Hòa vẫn nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả rất tích cực với 25 dự án mới. Tổng vốn đầu tư hơn 7.700 tỉ đồng, gấp gần 2 lần năm 2019.
“Một điều thuận lợi nữa cho tỉnh Khánh Hòa là việc UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) tài trợ toàn bộ chi phí tư vấn thiết kế quy hoạch tổng thể khu vực Bắc Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh và đầu tư khu phi thuế quan tại Khu Kinh tế Vân Phong. Đơn vị thực hiện quy hoạch chủ chốt là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP – Bộ Xây dựng) và các đối tác tư vấn là KPMG và Boston Consultanting Group (BCG) – những đơn vị giàu kinh nghiệm của thế giới. Nếu có được bước quy hoạch bài bản này, tỉnh Khánh Hòa sẽ như “thỏi nam châm” thu hút hàng loạt nhà đầu tư đổ vốn vào đây trong tương lai” – ông Nam đánh giá.
Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, cho rằng dù chưa được trung ương thống nhất về quy hoạch điện khí tại khu vực Vân Phong nhưng hiện có khoảng 8 nhà đầu tư của các tập đoàn lớn trong nước và Nhật Bản, Mỹ đề xuất làm điện khí như: Công ty J-Power (Nhật Bản), Công ty Millennium, một tập đoàn lớn chuyên khai thác dầu mỏ của Mỹ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết trong bối cảnh khó khăn, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 tăng 7,4%. Trong đó, GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 7,5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 73,3 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.400 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 56.918,4 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2020…
“Với tôi, mục tiêu không chỉ có nghĩa là con số phải đạt được mà còn là đích để chúng ta phấn đấu, nhắm tới. Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm, cần sự đoàn kết, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Tôi tin tưởng rằng tỉnh Khánh Hòa sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra này” – ông Tuân nói.
Dùng “vốn mồi” để bật lên
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về các giải pháp cụ thể hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,4%, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: Vốn đầu tư công được coi là “vốn mồi” để thúc đẩy, kích thích những nguồn vốn khác như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân… tăng cường đầu tư vào những dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Dự kiến năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ đầu tư công 3.789 tỉ đồng; trong đó, phân bổ cho cấp tỉnh quản lý khoảng 2.647 tỉ đồng, cấp huyện được phân quyền quản lý khoảng 1.142 tỉ đồng. Một số dự án lớn, trọng điểm được triển khai thực hiện như: Tỉnh lộ 3, đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn, Bệnh viện Đa khoa TP Nha Trang, Bệnh viện Ung Bướu, đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang, dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập…
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Theo: Người Lao Động
Nguồn: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/khanh-hoa-tim-cach-but-pha-tu-tang-truong-am-20210204210154687.htm