Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khánh Hòa: Mua nhầm hay bị lừa đảo bán đất nằm trong quy hoạch?

Mua phải đất quy hoạch

Tháng 1/2018, qua giới thiệu ông Đ.B.T (trú tại TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) mua lại mảnh đất tại địa chỉ thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa được UBND huyện Vạn Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số CH 02253 ngày 1/6/2017 với diện tích 1400,4m2 thửa đất số 23, tờ bản đồ số 43; mục đích sử dụng: đất ở nông thôn 150m2, đất trồng cây lâu năm 1250,4m2 của ông Nguyễn Trường Hận (thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh).

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông D.B.T cấp đầu năm 2018 có ghi “thửa đất nằm trong quy hoạch phải thu hồ”.

Quá trình mua bán, ông Hận dẫn ông T. đến thửa đất tại thôn Vĩnh Yên và cung cấp GCN (bản phô tô) số CH 02253 cho ông T. xem.

Sau khi thống nhất về giá, ông T. đặt cọc tiền và đến ngày 02/01/2018 đi cùng ông Hận đến UBND xã Vạn Thạnh để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới sự chứng kiến của ông Lê Hoàng Vương — Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông T. không hề được nhìn thấy bản gốc GCN của thửa đất nói trên. Thay vào đó, khi đến UBND xã Vạn Thạnh, ông Hận có nói với ông T. là nhờ một cán bộ huyện tên N. thay mình làm mọi giấy tờ thủ tục; ông T. chỉ việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Sau khi ký hợp đồng và giao tiền tại “phòng một cửa” của UNBD xã Vạn Thạnh, ông T. không cầm bất kỳ giấy tờ nào ngoài GCN phô tô trước đó.

Ông Hận nhận trách nhiệm cùng “vị” cán bộ tên N. làm toàn bộ hồ sơ sang tên GCN cho ông T. Do ở xa không có điều kiện đi làm thủ tục sang tên, nên ông T. chấp nhận.

Những tưởng mọi chuyện tốt đẹp, nào ngờ đến tháng 02/2018, khi nhận được GCN số CK 861735 do UBND huyện Vạn Ninh ký ngày 22/01/2018 mang tên mình, ông T. mới té ngửa bởi GCN, ghi: “Thửa đất nằm trong quy hoạch phải thu hồi”.

Có sự “tiếp tay” của cán bộ xã?

Theo ông T, quá trình ký hợp đồng chuyển nhượng đất, ông Hận không hề nói việc mảnh đất đang nằm trong diện quy hoạch phải thu hồi toàn bộ.

Một luật sư khi được hỏi cho biết, hợp đồng nhận chuyển nhượng đất giữa ông Hận và ông T. có thể bị tuyên vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 nếu dấu hiệu lừa dối được làm sáng tỏ.

Điều đáng nói là UBND xã Vạn Thạnh cũng có “vấn đề”, bởi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Hận và ông T. được thực hiện tại UBND xã Vạn Thạnh, ký công chứng bởi ông Lê Hoàng Vương — Phó Chủ tịch UBND xã. Tại Điều 1 Hợp đồng quy định về quyền sử dụng đất chuyển nhượng, trong đó ở mục “Những hạn chế về quyền sử dụng đất (nếu có)” thì bỏ trống.

Phải chăng lãnh đạo xã biết rõ tình trạng thửa đất, nhưng không ghi phần đất nằm trong quy hoạch phải thu hồi vào hợp đồng chuyển nhượng?

Với trách nhiệm công chứng và quản lý địa bàn cơ sở, liệu đại diện UBND xã là ông Phó Chủ tịch Lê Hoàng Vương đã bưng bít thông tin “quy hoạch” liên quan đến mảnh đất?

Với những thông tin nêu trên, quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 23, tờ bản đồ số 43 có nhiều khuất cần được các cơ quan chức năng làm rõ, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi của người dân; đồng thời xử lý nghiêm cá nhân liên quan nếu có sự tiếp tay, lừa đảo.

“Điều 127 BLDS

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

Theo: Pháp Luật Plus