Khánh Hòa: Đẩy mạnh hợp tác công – tư trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới
0
Sáng 15-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”. Tham dự hội nghị ở điểm cầu Khánh Hòa có ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Trao đổi với phóng viên Khánh Hòa Online bên lề hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biếtđể du lịch phát triển cần phải đẩy mạnh hợp tác công – tưtrong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới.
TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, từ nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa xác định hợp tác công – tư là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; trong đó hợp tác công – tư trong đầu tư phát triển loại hình, sản phẩm du lịch được tỉnh quan tâm, chú trọng trong thời gian qua. Nội dung này, tỉnh Khánh Hòa đưa vào các kế hoạch trung hạn, dài hạn của tỉnh thông qua việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lập quy hoạch du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch; hỗ trợ nguồn vốn ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch; đặc biệt thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào phát triển du lịch… Với những cơ chế, chính sách thông thoáng, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nhờ đó, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được phát triển mạnh theo xu hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Nếu như số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh năm 2012 có 511 cơ sở, với 12.700 buồng phòng, thì đến nay số lượng cơ sở lưu trú tăng lên gấp đôi với 1.169 cơ sở, với hơn 55.530 buồng phòng (tăng hơn 4 lần), trong đó có hơn 50% là khách sạn từ 3 sao trở lên, gắn với những thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Để hợp tác công – tư trong phát triển du lịch thời gian qua đạt được kết quả như hôm nay, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng nhiều giải pháp chính sách về hạ tầng giao thông, điện, nước tại các khu, điểm du lịch quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi đất đai. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến dự án đầu tư. Nhờ sự chủ động và các chính sách linh hoạt, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả nên trong những năm qua Khánh Hòa đã thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào các khu vực trọng điểm phát triển du lịch. Cụ thể: Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thu hút 40 dự án, với tổng số vốn đã đăng ký: 29.341 tỷ đồng, hiện đã có 16 khách sạn quy mô lớn, cao cấp đưa vào hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí với 9.525 phòng; Khu vực thành phố Nha Trang thu hút đầu tư đưa vào khai thác 64 khách sạn nghỉ dưỡng 4-5 sao, với 16.865 phòng và nhiều khu vui chơi giải trí cao cấp, quy mô lớn như Vinwonder Nha Trang, Hòn Tằm, các khu tắm bùn khoáng… Tại khu vực Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh đang triển khai đầu tư hạ tầng để thu hút phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp, các loại hình du lịch biệt lập ven biển kết hợp các hoạt động tham quan, du lịch trải nghiệm, khu du lịch cao cấp gắn với cảng du lịch đẳng cấp quốc tế, các khu đô thị phục vụ du lịch, dịch vụ.
– Trong năm 2022, tỉnh Khánh Hoà cũng đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn từ phía Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương với nhiều nghị quyết có tính “đột phá”. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và du lịch nói riêng trong thời gian tới, thưa ông?
Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09. Đồng thời, ngày 16-6-2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55 cho phép thực hiên thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả, phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, theo đúng chủ trương định hướng Nghị quyết 09 nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, địa phương, trong đó: thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp…Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch.
– Với những thuận lợi trên, du lịch Khánh Hòa đã phục hồi như thế nào trong năm 2022, thưa ông?
Những tiền đề trên cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, năm 2022 vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế; đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Hoạt động du lịch phục hồi, có bước tăng trưởng mạnh trở lại, tổng số lượt khách lưu trú đạt hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng gấp 4,3 lần so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 297 nghìn lượt khách, tăng gấp 12 lần so cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 13.976 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần so với năm 2021. Hoạt động du lịch phục hồi tăng trưởng đã kéo theo các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trở lại, góp phần đưa chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 20,7% so với năm 2021, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và là tỉnh có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước. Kết quả tích cực này sẽ tạo động lực để tỉnh Khánh Hoà tiếp tục tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
– Dù đã đạt được những kết quả khá tốt nhưng du lịch Khánh Hòa vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn về hạ tầng giao thông cũng như cơ chế chính sách để phát triển du lịch. Tỉnh sẽ có những kiến nghị gì với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương để tạo điều cho du lịch Khánh Hòa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có, thưa ông?
Để du lịch Khánh Hòa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, cao cấp theo đúng định hướng của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra, tỉnh Khánh Hòa đã và sẽ đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm hỗ trợ một số nội dung sau:
(1) Xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút, đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại ba vùng động lực phát triển của tỉnh, trong đó có đường cao tốc Nha Trang – Buôn Mê Thuột, cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang và đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, giúp Khánh Hòa từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy nhanh đầu tư phát triển các dự án tại các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh;
(2) Xem xét có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Cảng Du lịch Nha Trang phục vụ du lịch.
(3) Xem xét, hỗ trợ nguồn vốn Đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch quốc gia đã được quy hoạch bằng nguồn vốn Trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.
(4) Kiến nghị xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau, được quy định tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27-7-2020 của Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Vì hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch ban ngày phục vụ du khách thì sản phẩm du lịch về đêm tại Khánh Hòa còn rất hạn chế, thiếu. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng đề án kinh tế đêm nhưng chưa thể triển khai do chưa được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục Đề án.
Hiện các nội dung định hướng, kiến nghị nêu trên đã được UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo gửi đến Văn phòng Chính phủ theo chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị sáng 15-3.