Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khẩn cấp ứng phó áp thấp, mưa lũ

Chiều 1-11, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang mạnh lên thành bão số 12 ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Bộ và mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Mưa bão ở miền Tây: Không được chủ quan

Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang, nhất là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cần rút kinh nghiệm từ trận bão Linda 20 năm trước, huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Các địa phương khu vực ảnh hưởng mưa lũ (từ Thừa Thiên – Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên) và khu vực dự báo chịu ảnh hưởng của ATNĐ và mưa lũ trong những ngày tới (từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên) rút kinh nghiệm từ các trận lũ lịch sử năm 1999 và năm 2016, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và ATNĐ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; chủ động sơ tán người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trước tình hình ATNĐ, mưa lũ dự báo bất thường, các tỉnh, thành ĐBSCL đã khẩn trương ứng phó. Tại tỉnh Cà Mau, trong cuộc họp khẩn sáng 1-11, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau – yêu cầu các cơ quan chức năng cập nhật thông tin liên tục về việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn, tránh trú, thoát khỏi vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; không cho tàu ra biển sau 18 giờ kể từ ngày 1-11; cho học sinh tiểu học và mầm non tại những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các xã ven biển nghỉ học vào chiều 2-11. Đồng thời, tỉnh quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm bão Linda 1997 sang sáng 3-11.

Tính tới sáng 1-11, tại Cà Mau đã có 3.387 tàu, với 15.645 ngư dân vào bến, neo đậu an toàn. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 171 tàu với 1.057 ngư dân chưa thể liên lạc được. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau đang tăng cường thông tin liên lạc, kết hợp với gia đình xác định vị trí, kịp thời vào bờ hoặc vượt ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trong cuộc họp khẩn sáng cùng ngày, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các địa phương thông báo khẩn và cập nhật thông tin về tình hình áp thấp 30 phút một lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho bà con biết, có biện pháp ứng phó, phòng chống rủi ro, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 214 tàu với 1.192 ngư dân, trong đó 193 tàu đánh bắt xa bờ – 1.150 ngư dân đang khẩn trương vào bờ.

Nhiều tàu thuyền neo đậu tránh bão ở sông Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: HOÀNG TUẤN

Dự kiến khoảng 4-5 giờ sáng nay (2-11), ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp tỉnh Kiên Giang. Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18.000 lao động về nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn còn khoảng 6.000 phương tiện với hơn 30.000 lao động đang ở trong vùng nguy hiểm từ 7-10 độ vĩ Bắc.

Trước tình hình trên, ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang,Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh – yêu cầu các lực lượng chức năng, địa phương khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ngoài khơi thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi trú tránh. Lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ đạo sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền đã về bờ, tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền; theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, phân công trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo khi có tình huống xảy ra.

Miền Trung hứng lũ lớn

Trong khi đó, mưa lớn từ đêm 31-10 và ngày 1-11 đã gây ngập nặng tại nhiều tỉnh miền Trung.

Tại tỉnh Quảng Nam, đến chiều 1-11, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến một số vùng thấp trũng ở TP Hội An, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình bị ngập nặng. Tuyến đường độc đạo nối “ốc đảo” Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị nước lũ tràn qua khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn và rất nguy hiểm. Tại huyện Nông Sơn, mưa lớn cũng khiến nhiều khu vực bị ngập úng và sạt lở đất, tuyến đường nối xã Quế Trung và Quế Phước bị ngập sâu khiến hàng chục hộ dân bị cô lập hoàn toàn.

Huyện Sơn Hà là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ mới. Hơn 1.000 học sinh các cấp của huyện này phải nghỉ học trong ngày 1-11 do giao thông bị nước lũ chia cắt. Các huyện khác như Tây Trà, Trà Bồng, Minh Long… cũng buộc phải cho học sinh nghỉ học.

Tại tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin đến 17 giờ ngày 1-11, Thủy điện Sông Ba Hạ đã nâng mức xả lũ lên 2.200 m3/giây, cộng với xả nước chạy máy 400 m3/giây nên lưu lượng nước đổ về hạ du sông Ba đã lên 2.600 m3/giây.

Do thủy điện xả lũ, nhiều khu vực hạ lưu sông Ba ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, TP Tuy Hòa và Phú Hòa đã bị ngập nặng. Toàn tỉnh có ít nhất 7 xã, thị trấn bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.

Ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, lũ trên sông Kỳ Lộ dâng nhanh đã làm nhiều tuyến đường như ĐT642, ĐT647, Quốc lộ 19C bị ngập sâu, chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt, mưa lớn đã gây sạt lở nhiều đoạn đường sắt Bắc – Nam qua huyện Đồng Xuân, nhiều đoàn tàu phải đứng bánh nhiều giờ… 

Đà Nẵng họp khẩn ứng phó thiên tai trước APEC

Tối cùng ngày, ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về chuẩn bị ứng phó thiên tai phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và đã phổ biến cho các đơn vị, sở, ban ngành cùng các địa phương để chủ động lập các phương án ứng phó. Đà Nẵng cũng tổ chức trực ban 24/24 để sẵn sàng ứng phó thiên tai và tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của trung ương.

nhóm phóng viên

Theo: Người Lao Động