Tuy bị cấm nhưng hiện nay, tình trạng khai thác thủy sản bằng đăng nò trên đầm Nha Phu vẫn còn rất nhiều. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý nghề cấm này.

Lâu nay, các nghề cấm như: đăng nò, cào sò trên đầm Nha Phu đã khiến người dân thôn Lệ Cam (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bức xúc bởi nghề này mang tính hủy diệt cao. Ông Võ Vinh Quang – Tổ đồng quản lý nghề cá xã Ninh Phú cho hay: “Đăng nò đặt ở đâu là thủy sản bị tận diệt ở đó, bởi loại ngư cụ này không chỉ bắt cá lớn mà các loại cá con bằng tăm nhang cũng bị bắt; hơn 100 đăng nò xếp thành 4, 5 lớp, kín cả mặt đầm thì thử hỏi loài thủy sản nào lọt lưới được. Vì nguồn lợi bị cạn kiệt nên thu nhập của người dân làm các nghề như: lưới ghẹ, lưới cá trên đầm Nha Phu những năm gần đây rất thấp. Đây chính là mấu chốt của những xung đột giữa cộng đồng ngư dân thôn Lệ Cam với các chủ đăng nò trên đầm Nha Phu”.

Được biết, những người làm đăng nò chủ yếu là những hộ khá giả, bởi để đầu tư 1 giàn đăng nò số tiền bỏ ra không phải ít, riêng tiền mua lưới đã lên đến 30 – 40 triệu đồng. “Sở dĩ các chủ nò không chịu từ bỏ nghề khai thác này là bởi lợi nhuận mang lại rất cao, có hộ thu được 2 – 3 triệu đồng mỗi đêm, thậm chí cao hơn. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết dứt điểm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm Nha Phu”, một ngư dân ở thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc đề xuất.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo đại diện Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh, đăng nò là một trong những nghề bị cấm khai thác trong các vùng vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 05 năm 2014 của UBND tỉnh về Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đăng nò hoạt động trên đầm Nha Phu vẫn rất lớn, chủ yếu là của người dân xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa). Các đăng nò lắp đặt giữa lòng đầm không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt mà còn gây ảnh hưởng lớn đến việc trao đổi nước trong đầm, ngăn cản dòng chảy, khiến rác thải, chất lơ lửng tích tụ gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, các đăng nò còn cản trở giao thông trong đầm; các cọc nò bị hư, bỏ hoang không ai thu dọn tạo nên các cọc ngầm dưới mặt nước rất nguy hiểm cho ghe thuyền qua lại…

Đăng nò vẫn hiện diện trên đầm Nha Phu dù bị cấm

Đăng nò vẫn hiện diện trên đầm Nha Phu dù bị cấm

Theo thống kê của UBND xã Ninh Lộc, hiện nay, số lượng đăng nò của người dân hoạt động trên đầm Nha Phu lên đến hơn 100 cái. Trong đó: thôn Tân Thủy 97 cái, thôn Tam Ích 6 cái và thôn Lệ Cam 2 cái. Ông Nguyễn Ngọc Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc cho biết: Những năm qua, địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nghề cấm này, chuyển đổi sang các nghề khác, nhưng đây là nghề mưu sinh chính của người dân các thôn ven đầm Nha Phu nên chỉ có số ít hộ chuyển đổi nghề. Qua nhiều lần tuyên truyền, các chủ đăng nò kiến nghị cấp trên xem xét hỗ trợ cho họ kinh phí để chuyển đổi nghề. Địa phương cũng đã vận dụng nhiều nguồn vốn để hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ mưu sinh bằng nghề đăng nò nhưng nguồn lực hạn chế chưa thể chuyển đổi được cho toàn bộ chủ nò.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là tuy được tuyên truyền, vận động thường xuyên nhưng số lượng đăng nò trên đầm Nha Phu không thuyên giảm, lâu dần các chủ nò sở hữu diện tích mặt nước bất hợp pháp. Qua xác định của Ban quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh cho thấy có trường hợp sang nhượng trái phép giữa các chủ nò với nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Ninh Lộc lại cho rằng: “Tại địa phương có sự phát triển đăng nò tự phát, việc chiếm dụng diện tích mặt nước trái với quy định. Nhưng có hay không tình trạng sang nhượng trái phép giữa các chủ nò với nhau thì địa phương chưa nghe phản ánh”.

Theo ông Trần Văn Cao – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Chi cục Thủy sản tỉnh, để xử lý tình trạng khai thác thủy sản bằng các nghề cấm trên đầm Nha Phu, chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ các nghề cấm; bố trí phương tiện, nhân lực để tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản… Bên cạnh đó, chi cục đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi Quyết định 05 năm 2014 theo hướng đưa các nghề như: cào sò, lờ dây, đăng nò từ chỉ cấm trong các vịnh, đầm thành những nghề cấm hoạt động trên địa bàn tỉnh.

BÍCH LA
 

Theo: Báo Khánh Hòa