Lễ hội diễn ra trong sự thành tâm của toàn thể cán bộ – công nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa và khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Tất cả đều cầu mong nghề yến sào Khánh Hòa ngày càng phát triển vững mạnh. “Hơn 30 năm qua, từ khi được nhà nước giao trọng trách quản lý, khai thác, Công ty Yến sào luôn xem đó là một sứ mệnh cao cả để gìn giữ và phát triển ngành nghề” – ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, nói.

Yến sào là sản vật quý hiếm, chỉ được thưởng thức nơi cung vua ngày xưa. Từ nghìn năm trước, món yến sào đã được gọi là “nhất phẩm bát trân”, tức món đầu bảng trong 8 loại thức ăn quý nhất chỉ dành cho các bậc đế vương và khoản đãi đại khách, được các danh y xác nhận có công dụng đặc biệt bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực. “Yến tiệc” là một từ dùng để đề cập ẩm thực chốn cung đình, với những món sơn hào hải vị mà xét về độ quý hiếm, bổ dưỡng thì đứng đầu là yến sào (tổ chim yến). Vì thế, có thể nói, nghề khai thác yến sào là một nghề có truyền thống lâu đời, đem lại những giá trị lớn.

Lễ hội Yến sào đã chính thức khai hội vào ngày 8-6

Theo tài liệu lịch sử còn lưu tại Khánh Hòa, vào năm 1328, trong một chuyến công cán phương Nam, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân và chiến thuyền của họ vào đảo Hòn Tre. Đề đốc Lê Văn Đạt cùng thuộc hạ phát hiện tại các hòn đảo ngoài khơi Bình Khang này có rất nhiều tổ yến. Sau khi phát hiện các đảo yến, ông Lê Văn Đạt cho thành lập đội quân bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên quý hiếm. Nghề yến sào nước ta ra đời từ đó và ông Đạt được đời sau suy tôn là Thủy tổ nghề yến sào Việt Nam.

Kế nghiệp Thủy tổ nghề yến là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm. Dưới thời Tây Sơn, bà Lê Thị Huyền Trâm được giao chỉ huy đội thủy quân tại dinh Bình Khang kiêm tổng quản quần đảo Hòn Tre và các đảo yến trong vùng. Bà đã tổ chức khai thác, xuất khẩu yến sào làm nguồn tài chính, hậu cần, quân nhu… cho nhà Tây Sơn. Ngày 10-5 năm Quý Sửu (1793), trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc và các đảo yến, Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh. Từ đó, mùng 10-5 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng giỗ Thánh mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn tại đền thờ Tổ nghề yến trên đảo Hòn Nội.

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã kế tục công việc thiêng liêng này từ nhiều năm nay và thường xuyên bổ sung vào lễ hội những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân ven biển Nam Trung Bộ. 







Kỳ Nam