Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khách du lịch thanh toán Nhân dân tệ trên đất Việt: Các bộ ngành nói gì?

Bộ Tài chính nêu rõ việc khách hàng ngang nhiên thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính đã thẳng thắn đề cập quan điểm về các “tour du lịch 0 đồng”. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết, khi đi “tour du lịch 0 đồng”, khách Trung Quốc ngang nhiên thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp.

Đó là sử dụng thẻ do ngân hàng Trung Quốc phát hành quẹt qua máy POS do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không cần đăng ký với ngân hàng Việt Nam”. Hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay do các đối tượng Trung Quốc cung cấp cho du khách Trung Quốc.

“Đây là các thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với các phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các điểm bán hàng”, Bộ Tài chính đánh giá và cho rằng đây là vấn đề cần được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính khẳng định sắp tới sẽ thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành tại những địa bàn trọng điểm, nếu phát hiện có sai phạm về thuế nghiêm trọng sẽ chuyển công an xử lý.

Liên quan đến vi phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là một số địa bàn du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, không để thông tin về các đoàn khách du lịch đến từ Trung Quốc bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính rà soát các văn bản quy phạm hiện hành để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thanh toán điện tử, bao gồm: thanh toán qua máy POS do Ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không đăng ký với Việt Nam, thanh toán bằng cách sử dụng các ứng dụng ví điện tử của Trung Quốc.

Bộ này cũng cho rằng, an ninh thanh toán, an ninh thông tin cũng là vấn đề phát sinh khi các khâu xử lý chính đều do tổ chức nước ngoài; dữ liệu người dùng, giao dịch được xử lý, lưu trữ bởi chính các tổ chức nước ngoài.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm soát an ninh thanh toán, an ninh thông tin đối với các hoạt động thanh toán điện tử trái phép của Trung Quốc.

Về nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện chức năng phòng chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Đồng thời, tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các trung tâm thương mại mua sắm, các cơ sở kinh doanh chuyên bán hàng hóa cho khách du lịch thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá.

“Trong quá trình kiểm tra hàng hoá, nếu phát hiện hàng hóa trưng bày bán cho du khách là hàng giả, hàng nhái, hàng trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng minh đầu vào thì xử lý nghiêm minh theo quy định. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét, xử lý hình sự”, Bộ Công Thương cho biết.

Phía Bộ Công an cũng lưu ý, cần tổ chức, đánh giá toàn diện về tình trạng “tour du lịch 0 đồng” trên phạm vi toàn quốc và các tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế – xã hội (thất thu ngân sách, mất an ninh trật tự, áp lực quá tải đến cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…”.

Đối với các hành vi, thủ đoạn thanh toán, chuyển tiền mới (thanh toán qua POS, ví điện tử trái phép) cần sớm giao đơn vị chủ trì có đánh giá và đề xuất phương hướng giải quyết hiệu quả.

Bộ Công an kiến nghị cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động về du lịch lữ hành, đảm bảo đủ năng lực, uy tín và nghiêm túc chấp hành pháp luật, nhất là trong quá trình kí kết, hợp tác với các đối tác Trung Quốc, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông.. để có biện pháp quản lý hoạt động thanh toán hàng hoá, dịch vụ qua POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, những ví điện tử phổ biến và được ưa chuộng đối với khách du lịch nói chung và khách du lịch Trung Quốc nói riêng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Khánh Hoàn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 417 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 74 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm cả 25 doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc các doanh nghiệp khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc với các tour giá rẻ qua các chuyến bay Charter dẫn đến hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm để bù đắp lại chi phí. Trong đó, một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định về niêm yết giá, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, thanh toán “chui” qua POS, mã phản hồi nhanh (QR Code) dưới hình thức sử dụng điện thoại.

Địa phương này cho hay, các tổ chức thanh toán thẻ cung cấp cho các đơn vị chấp nhận thẻ các loại máy POS di động cầm tay. Tuy nhiên, tổ chức thanh toán thẻ chưa có giải pháp quản lý nên việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn do máy có hình thức nhỏ gọn, dễ cất giấu và khó phân biệt đâu là hợp pháp, đâu là trái pháp luật.

Trong khi đó, QR Code thực hiện thông qua điện thoại di động của bên bán và bên mua nên việc kiểm tra, bắt quả tang rất khó khăn và không có chứng cứ. Vì vậy, để kiểm soát các hoạt động thanh toán này cần phải có các giải pháp quản lý về công nghệ và các quy định pháp luật cụ thể đối với hình thức thanh toán này.

Phương Dung

Theo: Dân Trí