Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Khá lên nhờ trồng dừa, nuôi bò

Từ một hộ nghèo, vợ chồng ông Bùi Kim Sơn – Đinh Thị Thanh Thu (Nghĩa Phú, Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở nên khá giả nhờ áp dụng kết hợp các mô hình cây, con hiệu quả.

Đi lên từ kiệu – dưa hấu

Ông Sơn kể, năm 2001, vợ chồng ông ra ở riêng, không có tài sản gì bởi cha mẹ 2 bên đều nghèo. Vợ chồng chỉ biết động viên nhau tranh thủ làm lụng, dành dụm để làm nhà, có nơi che mưa nắng. Để thoát nghèo và vì tương lai của các con, vợ chồng ông quyết tâm vươn lên. Sau một thời gian, thấy gia đình ông có chí hướng làm ăn, chính quyền và các ban, ngành tại phường vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây cho ông căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Từ đó, ông có sức bật đi lên.

Những năm đầu, thấy cây kiệu và dưa hấu có giá, vợ chồng ông bàn bạc thuê đất làm ăn. Trên mảnh đất ruộng thuê, từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, ông trồng kiệu, sau đó trồng dưa hấu. Thời gian này, tuy thị trường bấp bênh nhưng lúc gặp cơ hội ông vẫn có thu nhập khá. Thấy 2 loại cây này bổ sung cho nhau, dưa hấu lấy nhiều mùn từ đất, kiệu lại bù đắp chất mùn cho đất, kết quả đất không bị bạc màu, ông mạnh dạn thuê 5ha đất mở rộng diện tích trồng kiệu và dưa hấu. Nhìn chung, 2 cây này đều cho thu nhập ổn định. Có năm, gia đình ông thu nhập tiền tỷ từ mô hình kiệu – dưa hấu. Có tiền, ông gom góp, dành dụm mua được 1,2ha đất thuộc cánh đồng Nghĩa Phú để làm ăn lâu dài. Đất tốt, nước dồi dào, gia đình ông chuyển sang trồng dừa, bởi theo ông, thị trường dưa hấu hiện rất bấp bênh, nhiều người thua lỗ vì thị trường Trung Quốc không nhập hàng và hàng rào kỹ thuật yêu cầu ngày càng cao. Cây kiệu cũng không còn thích hợp, bởi giá nhân công tăng cao, thêm vào đó, dịch bệnh triền miên.

Khá giả nhờ nuôi bò, trồng dừa xiêm

Nuôi bò đem lại hiệu quả khi kết hợp trồng dừa xiêm.

Hiện nay, vợ chồng ông Sơn không còn lo lắng nhiều về thu nhập. Vườn dừa xiêm lùn 1,2ha (240 cây) của ông không đủ cung cấp cho thị trường Cam Ranh và các địa phương lân cận mặc dù phong trào trồng dừa đang nhen nhúm trở lại. Ông Sơn trồng cả 2 loại giống dừa xiêm lùn vỏ xanh và vỏ đỏ vì mỗi loại có ưu điểm riêng. Dừa vỏ đỏ cho năng suất cao, 200 trái/cây/năm, dừa vỏ xanh thấp hơn, 150 trái/cây/năm nhưng thị trường ưa thích. Giá bán lẻ tại vườn 10.000 đồng/trái, sỉ 8.000 đồng/trái. Hiện nay, vườn dừa của ông cho thu hoạch 300.000 đồng/ngày nhưng chỉ 1 – 2 năm nữa con số này sẽ là 1,2 triệu đồng/ngày. Ngoài trồng dừa, ông còn nuôi bò, giữ quy mô thường xuyên 10 con, chủ yếu là giống bò lai. Phân bò sau khi ủ hoai phối hợp với các loại rơm rạ, lá cây hoai mục sẽ được bón cho vườn dừa. Phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây dừa phát triển và cho quả ngọt. Vì vậy, thương lái rất thích mua dừa của ông và đặt hàng nhưng ông không đủ cung cấp. Ông cho biết, dừa xiêm sai quả, có thị trường, phân bò bón cho vườn dừa tốt, hệ thống tưới đến từng gốc dừa, cỏ trong vườn cắt cho bò ăn… thành vòng tròn khép kín. Ngoài mô hình kết hợp trên, ông còn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản phục vụ người dân trong vùng và khu vực huyện Cam Lâm…

Nhờ cần cù làm ăn, biết tính toán lựa chọn mô hình cây con phù hợp, vợ chồng ông Sơn đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

V.L


Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Nghĩa: Vợ chồng ông Sơn đi lên từ hai bàn tay trắng nhờ biết áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Sơn rất tích cực tham gia các lớp tập huấn của chính quyền, thường xuyên nắm bắt thị trường, cải tiến sản xuất. Mô hình trồng kiệu mấy năm trước của ông là mô hình trình diễn của Chi cục Bảo vệ thực vật. Ông là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố, chuẩn bị xét cấp tỉnh.


Theo: Báo Khánh Hòa