Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019: Phản ánh đúng chất lượng dạy và học

Điểm trung bình các môn tăng từ 5 đến 16%

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2019 của tỉnh Khánh Hòa (chưa qua phúc khảo) là 92,9%, giảm 5% so với năm 2018. Tuy nhiên, điều này là do cách tính điểm tốt nghiệp năm nay tăng tỷ lệ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia lên 70%, tỷ lệ điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ chiếm 30%, thay vì tỷ lệ 50 – 50% như năm trước. Nếu năm 2018 cũng áp dụng công thức tính 70 – 30% thì tỷ lệ tốt nghiệp năm nay tăng 3,2% so với năm trước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Khánh Hòa năm 2019 cao hơn một số tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Với kết quả 35 điểm (tổng điểm 4 bài thi) – thủ khoa kỳ thi THPT năm nay cũng cao hơn năm 2018 (33,4 điểm). Số lượng thí sinh đạt điểm cao các tổ hợp 3 môn xét tuyển cao đẳng, đại học từ 27 điểm trở lên là 18 em, năm 2018 chỉ có 4 em; số thí sinh từ 26 điểm trở lên có 106 em, năm 2018 chỉ có 20 em. Các trường top đầu như: chuyên Lê Quý Đôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu… vẫn duy trì kết quả tốt. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên có 1 thí sinh người dân tộc Raglai của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh nằm trong danh sách thí sinh có điểm xét tuyển đại học đạt 26 điểm.

Theo bà Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã phản ánh đúng chất lượng dạy và học cấp THPT hiện nay. Điểm trung bình tất cả các môn thi năm nay đều cao hơn năm 2018 từ 5% đến 16%. Điều này là do Bộ GD-ĐT đã đổi mới cách thức ra đề, phân hóa tốt đối tượng học sinh (HS), đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi 2 trong 1, là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Cũng trong năm học qua, Sở GD-ĐT đã có sự chỉ đạo sâu sát đến các nhà trường trong dạy và học, trong đó đã tổ chức biên soạn, xây dựng ngân hàng đề phù hợp đối với các môn thi để các trường tổ chức ôn tập cho HS, tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Hầu hết đội ngũ giáo viên đã cố gắng rất nhiều trong việc thay đổi phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp với việc đổi mới cách ra đề của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, ở một số trường vùng khó khăn của một số huyện, kết quả thi thấp hơn năm trước từ 10 – 15%. Sở GD-ĐT cho biết sẽ có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể để các trường nâng cao chất lượng dạy và học những năm tới.

Điểm Lịch sử, tiếng Anh thấp

Trong số các môn thi, Lịch sử là môn có kết quả thấp nhất, chỉ 25,3% bài thi đạt điểm trên trung bình. Bà Hoàng Thị Lý cho rằng, chương trình sách giáo khoa nặng; HS phải nhớ quá nhiều sự kiện trong khi đề thi được ra theo cách tiếp cận lịch sử mới dạng lý luận, nhận định vấn đề. Độ vênh giữa sách giáo khoa hiện hành với cách đổi mới ra đề thi làm cho giáo viên và HS gặp khó khăn. Một số giáo viên chưa tiếp cận tốt phương pháp dạy học theo hướng đánh giá năng lực HS; chủ yếu dạy học theo kiểu ghi nhớ kiến thức sách giáo khoa. Phương pháp dạy học theo hướng suy luận, đánh giá, so sánh, phân tích, nhận định vấn đề lịch sử… chưa được chú ý. Ngoài ra, điểm thấp còn do đa số HS chọn tổ hợp bài thi Khoa học xã hội nhưng môn Lịch sử trong tổ hợp này không dùng để xét tuyển đại học mà chỉ để xét tốt nghiệp. Vì vậy, nhiều em không đầu tư cho môn này và chỉ cần 2 – 3 điểm để không bị rơi vào điểm liệt. Trong khi đó, nội dung học môn Giáo dục công dân ít và gần gũi với cuộc sống thường nhật của HS nên có tới 95% bài thi đạt điểm trên trung bình, môn Địa lý có Atlat hỗ trợ khi làm bài có 81,3% bài thi trên trung bình…

Tiếng Anh cũng là môn có kết quả thấp so với các môn khác. So với cả nước, điểm thi tiếng Anh của Khánh Hòa xếp thứ 13/63 tỉnh, thành và cao hơn kết quả năm 2018 là 12%. Theo bà Lý thì kết quả này là do sự khác biệt giữa HS khu vực thành phố và nông thôn, miền núi. Các trường ở thành phố, nơi có điều kiện học tốt như Internet, dịch vụ tư vấn học tập và có sự đầu tư tốt hơn từ phía phụ huynh và HS nên chất lượng trên trung bình cao hơn so với các vùng khó khăn của tỉnh. Bên cạnh đó, do điều kiện còn hạn chế nên tỷ lệ HS được học chương trình tiếng Anh 10 năm trên địa bàn tỉnh còn thấp. Toàn tỉnh mới chỉ có 34/119 trường THCS (tỷ lệ 28%) giảng dạy chương trình tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, nhưng số lượng HS học chỉ đạt 7%. Cấp THPT thực hiện ở 22/31 trường (73%) nhưng số lượng HS học chỉ đạt 13%. Về phía HS, nhiều em chưa chú trọng tới môn học này, phương pháp học tập chưa phù hợp, học thêm, luyện thi sai hướng… Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để chất lượng dạy và học tiếng Anh tốt hơn trong thời gian tới.

H.NGÂN
 

Theo: Báo Khánh Hòa