Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Kết nối du lịch Khánh Hòa với đồng bằng sông Cửu Long

Nhân dịp hãng hàng không Vietjet mở đường bay thẳng Nha Trang – Cần Thơ, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa tổ chức đoàn famtrip khảo sát du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Cần Thơ nhằm kết nối du lịch Khánh Hòa với ĐBSCL.

Nhiều tiềm năng để khai thác

Trong chuyến đi, Sở Du lịch Khánh Hòa đã giới thiệu Năm Du lịch Quốc gia 2019 – Nha Trang “Sắc màu của biển”; các doanh nghiệp trưng bày các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm du lịch của Nha Trang – Khánh Hòa, các tour du lịch Nha Trang – Khánh Hòa dành cho khách du lịch ở ĐBSCL; tọa đàm về việc kết nối du lịch giữa Khánh Hòa với khu vực ĐBSCL. Đoàn cũng đã khảo sát một số điểm du lịch ở Cần Thơ và An Giang để phục vụ cho việc đưa khách từ Khánh Hòa đi du lịch ở các tỉnh này. Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, Hiệp hội Du lịch Cần Thơ và Vietjet Air đã ký kết hợp tác khai thác du lịch giữa Khánh Hòa và Cần Thơ.

Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang).

Phát biểu tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch biển đảo, trong khi ĐBSCL có thế mạnh về du lịch miệt vườn, sông nước. Sự khác biệt này khiến du khách Khánh Hòa rất muốn khám phá du lịch ĐBSCL và ngược lại. Tuy nhiên, từ trước đến nay, do hạn chế về giao thông, thiếu sự kết nối nên tiềm năng này chưa được khai thác nhiều. Đường bay Nha Trang – Cần Thơ của Vietjet Air rút ngắn thời gian di chuyển của du khách, tháo gỡ nút thắt về giao thông. Do đó, ngành Du lịch Khánh Hòa rất mong muốn được liên kết với ngành du lịch các tỉnh, thành ở ĐBSCL để đưa khách du lịch Khánh Hòa đến khám phá miền Tây Nam bộ cũng như đón khách du lịch từ khu vực này tham quan Nha Trang – Khánh Hòa.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho rằng, tiềm năng đón khách từ Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đến ĐBSCL là rất lớn. Hiện nay, Cần Thơ có khoảng 270 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số gần 10.000 phòng, đủ sức phục vụ du khách. Từ Cần Thơ tỏa đi các tỉnh trong khu vực ĐBSCL khoảng cách khá gần, nên khách đến đây có thể đi đến Sóc Trăng, nơi có những ngôi chùa độc đáo như: chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểng, chùa Dơi; đến An Giang, nơi có rừng tràm Trà Sư, miếu Bà Chúa Xứ, núi Cấm…, thậm chí xuôi xuống Cà Mau thăm rừng U Minh, Đất Mũi. Các địa phương cũng có sự khác biệt về ẩm thực, đặc sản khiến du khách đến đây luôn thích thú.

Cần sự hỗ trợ lẫn nhau

Đường bay Nha Trang – Cần Thơ của Vietjet Air  được khai thác từ ngày 26-4 với tần suất 4 chuyến bay khứ hồi/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật với thời gian mỗi chặng bay khoảng 1 giờ. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Cam Ranh lúc 9 giờ 30 phút, đến Cần Thơ lúc 10 giờ 30 phút. Chiều ngược lại cất cánh tại Cần Thơ lúc 11 giờ 5 phút, đến Cam Ranh lúc 12 giờ 5 phút.

Tuy đánh giá cao tiềm năng khai thác, nhưng tại hội nghị vẫn có ý kiến lo ngại đường bay Nha Trang – Cần Thơ sẽ không bền vững, bởi trước đây từng có doanh nghiệp du lịch khai thác đường bay này nhưng chỉ được một thời gian ngắn là tạm ngưng. Về vấn đề này, ông Trần Hoàng Linh – Giám đốc Vietjet Air khu vực miền Trung cho biết, lợi thế của Nha Trang – Khánh Hòa là thời tiết thuận lợi, có thể du lịch gần như quanh năm nên chắc chắn đường bay Nha Trang – Cần Thơ sẽ có sự phát triển tốt. Hiện nay, Vietjet Air khai thác 4 chuyến/tuần, nhưng trong tương lai có thể tăng thêm.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Phong – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, trong sự kết nối du lịch phải xem Nha Trang và Cần Thơ giống như điểm cầu của 2 khu vực. Khách du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đến Cần Thơ không chỉ đi các tỉnh ĐBSCL mà còn hướng đến những tour xa hơn như: Campuchia, Thái Lan. Ngược lại, khách ĐBSCL đến Khánh Hòa có thể khám phá thêm Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng… Để việc khai thác này được lâu dài, bền vững, hai bên cần tính toán các tour tuyến phù hợp, tránh sự trùng lắp về sản phẩm.

Tại hội nghị, đại diện Vietravel Chi nhánh Cần Thơ đề nghị, ngành Du lịch Khánh Hòa cần có chính sách ưu đãi về giá phòng, giá vé tham quan cho các công ty lữ hành ở khu vực ĐBSCL, bởi các doanh nghiệp lớn đặt tour cho nhân viên đi tham quan, du lịch rất quan tâm đến chuyện giá cả, thu nhập của người dân ở khu vực này cũng chưa cao. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa chỉ giữ vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, kết nối cho doanh nghiệp; chính sách cụ thể là của từng doanh nghiệp. Ông Phạm Thế Triều – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang đề nghị, doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần ngồi lại với nhau để bàn thảo, đề ra những chính sách ưu đãi để kích cầu du lịch, đảm bảo kết nối du lịch lâu dài.

XUÂN THÀNH