Đến nay, kè núi Sạn khu vực Trường Phúc (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) đã cơ bản hoàn thành sau hơn 1 năm thi công, tạo một bờ kè vững chắc chống sạt lở cho cả khu dân cư Trường Phúc phía dưới. Tuy nhiên, chính quyền và người dân địa phương vẫn rất lo lắng khi mùa mưa lũ đến gần…
Nguy cơ đá lăn xuống nhà dân
Theo chân cán bộ xây dựng phường Vĩnh Phước, leo ngược công trình mới thấy được nỗi lo của người dân phía dưới chân kè là có cơ sở. Bờ kè dài, cao hàng chục mét, bám vào thân núi Sạn nhưng chân bờ kè lại sát ngay mái nhà của hàng chục hộ. Ngay thân ta luy dương đang có hàng trăm viên đá chẻ còn thừa sau thi công được xếp chồng tạm bợ lên nhau. Nếu trời mưa lớn, nước từ trên núi tuôn xuống, số đá chẻ này có thể trút xuống nhà dân. Đặc biệt trên đỉnh kè, vẫn còn nhiều khối đá mồ côi lớn khoảng vài người ôm, phần thân dưới đã bị khoét sâu, bị hỏng chân có thể sạt lở lăn xuống nhà dân ngay dưới chân kè bất cứ lúc nào.
Ông Trần Văn Được, số nhà 26/3 tổ 19 Trường Phúc cho biết, trước đây khi chưa có công trình kè thì mùa mưa chỉ lo sạt lở, còn nước thì chảy rỉ rả xuống đều phía dưới, những lúc mưa to thì chỉ chảy thành dòng ở các lối đi, không tràn vào nhà. Hiện nay, khi xây dựng kè, dự án đã làm mương gom nước chảy về một hướng để đưa nước thoát xuống phía dưới. Tuy nhiên, miệng cống lại đặt cạnh cửa sau nhà ông có kích thước quá nhỏ, chỉ 0,6m x 0,6m, không đủ để dẫn nước mỗi khi có mưa lớn. “Trận mưa lớn vừa qua, nước từ trên núi chảy theo mương đổ xuống ầm ầm, miệng cống nhỏ nước thoát không kịp, tràn lên đường, ập vô ngập nửa nhà tôi. Đã thế, đá chẻ cùng các vật liệu còn sót bị cuốn theo nước đổ xuống nhà chúng tôi và gây ngẹt một phần miệng cống, khiến nước thoát càng khó khăn hơn. Gia đình tôi mới được phường hỗ trợ xây lại nhà 10m2 từ năm 2016, bây giờ lại lo nước cuốn mất nhà. Tôi đi biển, vợ tôi ở nhà cùng 2 con và cháu nhỏ, tôi không thể an tâm nên mong chính quyền quan tâm giúp đỡ”, ông Được lo lắng.
Sẽ sớm dọn xà bần, kiểm tra nguy cơ
Ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, khu vực Trường Phúc hiện có khoảng 600 hộ, riêng phía chân kè đang có 60 hộ, với khoảng 300 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Việc đơn vị xây dựng chưa dọn dẹp xà bần sau thi công, các khối đá mồ côi tại vùng giáp ranh phía trên bờ kè còn treo lơ lửng là nguy cơ mất an toàn khi trời mưa lớn. Trong khi đó, nhà dân tại đây khá tạm bợ, nhà mái tôn, vách ván, chưa kiên cố, nhà cửa lại san sát nhau, đường hẻm nhỏ hẹp nên việc ứng cứu sẽ gặp khó khăn, thiệt hại sẽ nặng nề hơn nếu có sự cố.
Trước mắt, địa phương đề nghị chủ đầu tư sớm chỉ đạo đơn vị thi công dọn dẹp nhanh số đất đá, xà bần, sớm bàn giao công trình cho địa phương để giám sát, kiểm tra các nguy cơ và có phương án bảo vệ an toàn cho nhà dân phía dưới. “Bờ kè đã xây dựng nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng. Khu vực này trước đây mùa mưa nào cũng xảy ra sạt lở, làm sập nhà và bị thương nhiều người dân. Trong khi đó, việc ứng cứu khó khăn, vì vậy ngay từ bây giờ cần phải rà soát sớm để ngăn chặn các nguy cơ sạt lở đá, tránh có thêm thiệt hại, phát huy hiệu quả của công trình”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Thanh Vân – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng Nha Trang cho biết, dự án kè đã hoàn thành nhưng việc vận chuyển xà bần, đất đá thu dọn từ công trình xuống phía dưới vẫn chưa xong. Bởi địa hình thi công dự án, phức tạp, việc vận chuyển, dọn dẹp đều bằng sức người nên gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Mùa mưa bão đang đến, ban đã yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành việc thu dọn ngay trong tháng 9, sau đó bàn giao công trình cho địa phương vận hành, quản lý.
M.T
Dự án kè núi Sạn, khu vực Trường Phúc do Ban quản lý dự án các công trình xây dựng Nha Trang làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Khánh Anh thi công. Kè núi Sạn có chiều dài bờ kè toàn tuyến hơn 64m, chiều cao 20m, có mái bê tông, cốt thép, dày 0,35m, được neo tăng cường bằng thép. Trên đỉnh kè có rãnh thoát nước, chân kè có mương thoát nước, ngoài ra còn có mương dẫn nước. Dự án được khởi công từ tháng 7-2016, với tổng vốn 7,26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP. Nha Trang, nhằm bảo vệ khu dân cư phía dưới, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo kế hoạch, kè được hoàn thành cuối năm 2016, nhưng do gặp mưa bão, điều kiện thi công quá khó khăn vì địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên dự án phải kéo dài đến tháng 6-2017.
Theo: Báo Khánh Hòa