UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác vứt bỏ được thu gom; 80% khu, điểm, cơ sở du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu 80% rác thải nhựa đối với khu bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, các mục tiêu tương ứng là 75%, 100%, 100% và 100%.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải đại dương (xây dựng chương trình truyền thông; biểu dương người tốt, việc tốt, các mô hình hay…; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý; tăng cường tái chế, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh); thu gom, phân loại, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải từ các hoạt động ven biển và trên biển (thực hiện phong trào, chiến dịch thu gom rác dọc các con sông, bãi biển và cộng đồng dân cư ven biển; bố trí thiết bị lưu chứa tại các điểm tập kết an toàn, thuận lợi; huy động sự tham gia của người dân, thống kê, phân loại rác thải đại dương, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin rác thải nhựa đại dương thống nhất với quốc gia về nguồn thải; khuyến khích tổ chức, cá nhân thu gom, phân loại, lưu trữ, tái chế, tái sử dụng tại các lưu vực sông, biển). Tổng cộng có 14 nhiệm vụ ưu tiên như: điều tra, đánh giá hiện trạng; tổ chức chiến dịch thu gom; tập huấn, phổ biến kiến thức, mô hình; thu gom rác thải nhựa khu vực nuôi trồng thủy sản; tổ chức thu gom rác dọc sông Cái…
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo; các sở, ngành, đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ phát huy vai trò phối hợp tạo sức lan tỏa, thành công của kế hoạch này.
Q.V
Theo: Báo Khánh Hòa