Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hút thuốc lá gây thiệt hại cho sức khỏe và kinh tế

Trên thế giới, hút thuốc lá gây thiệt hại 1.400 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế. Ước tính chi phí y tế điều trị các bệnh liên quan đến hút thuốc lá, giảm năng suất lao động và các chi phí xã hội khác chiếm 1,8% GDP. Theo số liệu của các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá chiếm 6 – 15% tổng chi phí y tế.


Sử dụng thuốc lá tại Việt Nam là 1 trong số 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao, đặc biệt đối với nam giới. Trong đó, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm với gần 11% tổng số ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá; đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm). Năm 2012, tại Việt Nam, chi phí y tế cho 5 trong số 25 loại bệnh liên quan đến hút thuốc lá (ung thư phổi, ung thư hô hấp tiêu hóa trên, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn) là 24.679 tỷ đồng, tương đương với gần 1% GDP của Việt Nam vào năm nghiên cứu. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ra những ảnh hưởng có hại khác đến vệ sinh môi trường, nguy cơ cháy nổ… Mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) giai đoạn 2013 – 2020 đặt ra là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống còn 39% năm 2020. Kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được Bộ Y tế thực hiện năm 2020, tỷ lệ này là 42,3%.



Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá



Trong những năm qua, nhiều sáng kiến PCTHTL đã được tổ chức tại các địa phương như “Tổ ấm không khói thuốc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Festival Biển không khói thuốc lá tại TP. Nha Trang; tàu du lịch không khói thuốc tại Khánh Hòa; nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không khói thuốc… Theo báo cáo hàng năm của các cơ quan, đơn vị, hầu hết cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành đã nhận thức được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe người sử dụng, người xung quanh và môi trường; hơn 85% cán bộ, công chức, người lao động hiểu được các quy định của Luật PCTHTL; hơn 90% hiểu biết về tác hại của việc hút thuốc lá.


Một vấn đề cần lưu ý liên quan trong công tác PCTHTL đó là, quy định giá bán tối thiểu đối với thuốc lá điếu tiêu thụ tại Việt Nam và chính sách thuế để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Cụ thể, giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá loại phổ thông có đầu lọc tiêu thụ trong nước đối với bao cứng là 4.390 đồng/bao; bao mềm là 3.860 đồng/bao, mỗi bao thuốc lá có 20 điếu. Mức giá này là giá bán của doanh nghiệp đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ PCTHTL, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Quy định về giá bán tối thiểu có ý nghĩa trong việc hạn chế sản xuất các loại thuốc lá rẻ tiền, bởi giá thuốc lá thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.


Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên PCTHTL là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá… Với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới, có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này.


Nguyễn Thị Quế Lâm

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202211/chuong-trinh-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-hut-thuoc-la-gay-thiet-hai-cho-suc-khoe-va-kinh-te-8269025/