Không chỉ gây ung thư phổi, khói thuốc lá còn là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh lý về đường hô hấp khác như hen, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp.
Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá cao
Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hàng năm, vẫn có hàng ngàn người thiệt mạng vì kẻ giết người thầm lặng này. Không chỉ những người hút thuốc lá, ngay cả những người xung quanh hít phải khói thuốc cũng bị ảnh hưởng do những thành phần hóa học có trong khói thuốc lá gây ra. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm toàn cầu có khoảng 8 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Riêng tại Việt Nam là khoảng 40.000 người, dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên 70.000 người.
Hút thuốc lá hơn 40 năm, ông Trần Hoàng (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) phát hiện mắc phổi tắc nghẽn mãn tính. Dù biết thành phần của thuốc lá rất độc hại, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân, người khác song đến nay, ông chỉ có thể giảm chứ chưa thể bỏ thuốc lá hoàn toàn. Ông Hoàng cho biết: “Tôi đi biển từ nhỏ, ra biển trời lạnh nên tập hút thuốc. Tôi hút thuốc lá năm 20 tuổi, giờ 62 tuổi. Năm ngoái phát hiện bệnh, tôi có giảm hút từ 2 gói xuống còn nửa gói hoặc 5 -7 điếu. Hút lâu như vậy nên giờ khó bỏ, nhưng giờ hút vào có hơi khó thở”. Không riêng trường hợp ông Hoàng, hàng ngày, vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người phải chống chọi lại những căn bệnh do khói thuốc lá gây ra.
Tại hội thảo phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ, công chức, các chủ nhà hàng, khách sạn, bến tàu, công an, người dân… được tổ chức tại TP. Nha Trang vào cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Trưởng phòng Nghiệp vụ Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu trên thế giới. Kết quả điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) là 23,8% (khoảng 12,8 triệu người), tỷ lệ hút thuốc lào là 6,4% (khoảng 4,1 triệu người). Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ phơi nhiễm thuốc lá tại nhà 67,6% và tại nơi làm việc 49%. Tại tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ sử dụng thuốc lá tương tự với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Chung tay đẩy lùi khói thuốc
Chỉ với một hơi thuốc hít vào phổi, hàng trăm chất độc trong khói thuốc bắt đầu tấn công gây hại cho lá phổi, làm giảm chức năng phổi, gây khó thở do phù nề đường thở và tích tụ chất nhầy trong phổi. Tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bình quân mỗi năm thực hiện khám chữa bệnh cho 12.000 – 15.000 lượt người bệnh, trong đó các loại ung thư do khói thuốc lá gây ra chiếm tỷ lệ rất cao. Đáng lưu ý, không chỉ người hút thuốc bị ảnh hưởng trực tiếp mà những người hít phải khói thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đây cũng chính là lý do tình trạng ung thư phổi tại nữ giới ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Theo số liệu của Khoa Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện tại, ung thư phổi ở nữ giới không phải là hiếm, tỷ lệ ghi nhận tại bệnh viện cũng khá là cao, đáng lo ngại có cả ở những người trẻ tuổi, có người dưới 40 tuổi.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: “Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình, người hút thuốc lá nên bỏ thuốc, người không hút thuốc lá không nên tiếp xúc với những người đang hút thuốc lá để tránh hít phải khói thuốc lá thụ động. Hiện nay, có nhiều chương trình hỗ trợ người hút bỏ thuốc lá, đơn giản nhất là khi nghiện thuốc có thể dùng các loại kẹo sing gum để hỗ trợ cắt cơn. Việc bỏ thuốc không thể thực hiện trong một vài ngày mà cần lâu dài, đòi hỏi nghị lực của mỗi người. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, giảm thiểu các bệnh lý về đường hô hấp, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay đẩy lùi khói thuốc, tiến tới xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp”.
C.ĐAN