Năm 2021, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến phức tạp, Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh được chuyển đổi thành BV dã chiến. Mặc dù phải đảm nhận nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân F0 song đội ngũ y, bác sĩ BV Lao và Bệnh phổi tỉnh vẫn nỗ lực duy trì, không để đứt gãy chuỗi phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao.
Chống lao trong dịch Covid-19
Việt Nam hiện nay vẫn đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên thế giới; đồng thời đứng thứ 11 trong số nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc. Năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao toàn quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều tỉnh, thành lo tập trung cho công tác chống dịch Covid-19, hoạt động chống lao gần như bị bỏ trống, đứt gãy, nhiều nơi chỉ đạt 40-50% chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Sở Y tế, cùng với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, chương trình chống lao tỉnh vẫn duy trì tại 100% huyện, thị, thành phố và xã, phường trên địa bàn tỉnh. Để hoạt động phòng, chống lao không bị đứt gãy, được sự đồng ý của Sở Y tế, song song với việc chuyển thành BV dã chiến, đảm nhận nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh dành riêng khu vực để tiếp tục duy trì việc điều trị ngoại trú và nội trú cho bệnh nhân lao. Trong đó, thành lập khu điều trị nội trú để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân lao, lao kháng thuốc nặng với công suất 50 giường bệnh. Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách BV Lao và Bệnh phổi tỉnh chia sẻ: “Trong giai đoạn toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, để bệnh nhân lao không bị gián đoạn điều trị, nhất là những bệnh nhân lao kháng thuốc, bên cạnh việc thành lập khu điều trị nội trú, BV chỉ đạo các tổ chống lao ở các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên liên lạc với bệnh nhân qua các kênh điện thoại, Zalo, Facebook để hỗ trợ, tư vấn kịp thời. Đồng thời, rà soát và cấp phát thuốc đầy đủ cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân ở những khu vực cách ly, xa, chúng tôi cấp phát thuốc cho họ từ 2 đến 3 tháng”.
Đạt kết quả khích lệ
Với việc chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các chỉ tiêu trong công tác phòng, chống lao ở tỉnh năm 2021 vẫn được duy trì ổn định, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng đạt và đạt vượt so với yêu cầu của Chương trình chống lao quốc gia. Cụ thể, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao các thể của tỉnh đạt 96,8%, vượt 11,8% so với yêu cầu, trong đó lao kháng thuốc đạt 84% (vượt 19,6% so với toàn quốc); 100% trường hợp lao trẻ em được điều trị thành công. Tỷ suất tử vong do lao 2/100.000 dân, thấp hơn 6 lần so với toàn quốc. Đặc biệt, trong năm 2021, không có bệnh nhân lao bỏ điều trị. |
Cùng với đó, BV tiếp tục triển khai và áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lao như: Chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao và đột biến kháng Rifampicin (Gene Xpert); nuôi cấy vi khuẩn lao trên môi trường lỏng bằng hệ thống BACTEC/MGIT, soi đờm trực tiếp bằng kính hiển vi huỳnh quang đèn led, nội soi phế quản…. Ngoài việc điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ 20 tháng truyền thống, BV còn ứng dụng thành công phác đồ điều trị 9 tháng, qua đó rút ngắn được thời gian điều trị, góp phần hạn chế nguồn lây lao có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng. Đồng thời, BV triển khai hoạt động khám sàng lọc chủ động cho các đối tượng; duy trì tốt phối hợp giữa y tế công và tư trong việc khám phát hiện và chuyển tuyến kịp thời khi có bệnh nhân nghi ngờ mắc lao… Điều trị bệnh lao được hơn 1 tuần tại khu nội trú BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, bệnh nhân H.A.T (62 tuổi, thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Tôi phát hiện mắc bệnh lao đã hơn một năm. Do tôi đi làm ăn xa nên việc điều trị hay bị gián đoạn. Tuần qua, tôi sốt, ho ra máu được chuyển vào đây. Sau thời gian điều trị, sức khỏe tôi đã ổn hơn. Tôi rất mừng khi trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, BV vẫn duy trì khu điều trị nội trú cho bệnh nhân lao. Được các bác sĩ đúng chuyên ngành điều trị, chúng tôi thấy an tâm hơn”.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm cho biết: “Thời gian tới, BV tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác điều trị, đặc biệt là ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lao; triển khai chiến lược phòng, chống lao quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh; đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động phát hiện chủ động bệnh nhân lao, lao kháng thuốc bằng phương pháp 2X (X-quang phổi và Xpert). Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ từ các đối tác, nhà tài trợ, bệnh viện tuyến trên về kỹ thuật, nguồn lực, trang thiết bị…”.
C.ĐAN