Thời gian qua, công tác phát triển lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay đạt 45,7%. Để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.
Phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng
Những năm qua, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh tăng, đến năm 2021 đạt 45,7%. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 245.164ha rừng (gồm diện tích rừng tự nhiên hơn 176.425ha, diện tích rừng trồng hơn 68.738ha), diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch 3 loại rừng hơn 73.157ha. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Với tỷ lệ che phủ rừng khá lớn, tài nguyên phong phú, nhu cầu về lâm sản và đất sản xuất ngày càng tăng nên nạn khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép vẫn diễn ra. Mặt khác, vẫn còn tình trạng người dân địa phương lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp thấp và chưa bền vững; rừng trồng cũng như rừng tự nhiên năng suất và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu của tỉnh.
Ông Trần Minh Thu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, từ thực tế nói trên, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh đặt ra yêu cầu phải quản lý, bảo vệ và phát triển có hiệu quả diện tích rừng, đất lâm nghiệp hiện có; thực hiện các dự án lâm sinh bảo đảm nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 46,5%. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa các hoạt động lâm nghiệp để huy động nguồn lực đầu tư vào phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng; phát triển lâm nghiệp để góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân miền núi; bảo đảm cung cấp gỗ nguyên liệu và lâm sản ngoài gỗ cho công nghiệp chế biến lâm sản. Đồng thời, đầu tư các công trình xây dựng cơ bản để hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, từng bước cải thiện chất lượng các loại rừng, tăng diện tích rừng thông qua các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên…
Đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm
Để thực hiện hiệu quả chương trình, nhiệm vụ đặt ra là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng, bảo đảm 100% diện tích rừng của các chủ rừng được quản lý hiệu quả; bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, khu rừng có tính đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Minh Thu cho biết, UBND tỉnh xác định 4 nội dung ưu tiên đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, gồm: Đầu tư bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển; phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ; phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Trong đó, việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển được tỉnh chú trọng hàng đầu. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; đầu tư trang thiết bị bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển rừng tại các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 – 2025, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng sẽ tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình này. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách mới như: chính sách thúc đẩy xã hội hóa lâm nghiệp, phát triển lâm nghiệp cộng đồng; chính sách cung ứng tín chỉ các-bon rừng… để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển lâm nghiệp; quản lý tốt quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến lâm vào lĩnh vực lâm nghiệp; tập trung nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Về nhiệm vụ phát triển rừng, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh triển khai trồng 3.631ha rừng trồng tập trung (1.840ha rừng phòng hộ và 1.791ha rừng sản xuất); chăm sóc hơn 10.494ha rừng trồng chưa khép tán; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh hơn 19.908ha rừng tự nhiên; trồng 435,67ha rừng ngập mặn; trồng 4,953 triệu cây phân tán ở khu vực thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng như: bảo dưỡng hơn 1.032km đường ranh cản lửa ở những nơi xung yếu để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng; xây dựng mới và sửa chữa 18 nhà trạm quản lý bảo vệ rừng, 2 chòi canh lửa để phục vụ công tác bảo vệ rừng ở những nơi xung yếu…
|
HẢI LĂNG
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202205/huong-toi-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-8252351/