Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quy hoạch với 88,19% đại biểu tán thành.
Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 72 điều quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Trước khi biểu quyết thông qua Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[Xây dựng quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc]
Về ý kiến đề nghị bổ sung “quy hoạch vùng trời,” “quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất” vào hệ thống quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật Biên giới quốc gia đã khẳng định biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các khái niệm quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đều được định nghĩa theo hướng là việc phân vùng và liên kết vùng, chia sẻ sử dụng không gian mang tính chiến lược và thống nhất, trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và không gian vùng trời của lãnh thổ quốc gia.
Riêng đối với vùng trời ở một độ cao nhất định còn chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do vậy không bổ sung thêm “quy hoạch vùng trời” và “quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất” vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Qua thảo luận, có ý kiến thống nhất quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng đề nghị làm rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trong khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt chưa được ban hành và chưa rõ đơn vị nào là đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là mô hình mới đã được quy định trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên có chủ trương thành lập. Quy mô, tổ chức của các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội thảo luận, xem xét. Đây là các nội dung có liên quan trực tiếp đến việc lập quy hoạch của các đơn vị này.
Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này đã dành một chương quy định về quy hoạch của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Đối với một số ý kiến đề nghị làm rõ việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp quy định tại Điều 16 của dự thảo Luật và cần lưu ý việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đây là lần đầu tiên khái niệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được luật hóa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng, thực hiện quy hoạch ở nước ta với mục tiêu thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương. Theo đó, quy trình lập quy hoạch cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, của các chuyên gia trong và ngoài nước, được xây dựng từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định và được gửi cho cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm lập quy hoạch.
Cơ quan này có trách nhiệm tổng hợp và phối hợp đồng bộ các quy hoạch thành phần trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Sau khi các quy hoạch được thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch theo phương pháp từ trên xuống, đảm bảo mối quan hệ có tính thứ bậc quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật, thì các quy hoạch thành phần (trong đó có các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) sẽ được phê duyệt và triển khai thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch đảm bảo thống nhất, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.
Tiếp tục chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)./.
Theo: Viet Nam Plus