Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hơn 12 tỷ đồng triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang bước vào giai đoạn khởi động. Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Quang Thành – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết:

– Sau khi Chính phủ phê duyệt OCOP, tháng 7-2018, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, bổ sung OCOP vào nhiệm vụ của ban chỉ đạo. Đầu tháng 4-2019, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt tổng kinh phí thực hiện OCOP năm 2019 hơn 12,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hơn 4,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của các chủ thể sản xuất hơn 7,8 tỷ đồng.

Sau quyết định này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cho một số địa phương, sở và một số xã có sản phẩm đăng ký tham gia OCOP học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình, mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại tỉnh Quảng Nam.

– Quy trình và lộ trình để một sản phẩm tham gia OCOP được thực hiện như thế nào, thưa ông?

– Sau khi triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng về chương trình, các chủ thể sẽ đề xuất ý tưởng, phương án kinh doanh hoặc kế hoạch kinh doanh của mình. Các ý tưởng, phương án phù hợp sẽ được chuyển lên cơ quan thường trực OCOP cấp huyện để xem xét, lựa chọn các ý tưởng tốt nhất, phù hợp nhất với chương trình.

Bưởi, xoài là nông sản chủ lực của tỉnh, được đưa vào danh sách OCOP.

Chủ nhân của các ý tưởng được chọn sẽ được tập huấn về phương pháp xây dựng “Kế hoạch kinh doanh”. Trong suốt quá trình triển khai ý tưởng, phương án, kế hoạch kinh doanh, các chủ thể sẽ được cán bộ OCOP cấp huyện hoặc tư vấn của Chương trình OCOP bám sát trong từng thời điểm, kịp thời hỗ trợ theo các nội dung của chương trình.

Toàn bộ nội dung trên được hoàn thành trong tháng 7 để tháng 8 hoàn tất việc đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện. Các sản phẩm OCOP phải tham gia đánh giá, xếp hạng tại 3 cấp (huyện, tỉnh, quốc gia). Trong đó, các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 đến 5 sao ở cấp huyện sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh, các sản phẩm đạt 4 đến 5 sao cấp tỉnh sẽ được đánh giá ở cấp quốc gia. Các sản phẩm không được đánh giá cao có thể hoàn thiện và dự thi đánh giá, xếp hạng vào kỳ của năm tiếp theo. Việc đánh giá sản phẩm cấp tỉnh được tổ chức vào tháng 9 và tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia vào tháng 11.

Các sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế, qua đó đẩy mạnh sản xuất nhằm đạt mục đích của OCOP là thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cộng đồng.

Ban chỉ đạo xác định mục tiêu của OCOP là làm sao các sản phẩm làm ra từ khu vực nông thôn có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đồng thời bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Thành công của OCOP cũng đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là động lực cho tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn mà Chính phủ đã phát động.

– Xin cảm ơn ông!

Hồng Đăng (Thực hiện)
 

Theo: Báo Khánh Hòa