Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Hơn 1 triệu người lao động ngoại tỉnh kẹt ở Sài Gòn dịp Tết?

Trong khoảng 10 triệu dân của TP.HCM, có đến 3,5 triệu là người nhập cư. Theo báo cáo về kết quả điều tra di cư nội địa do Tổng cục Thống kê công bố năm 2016, 80% người di cư đến TP.HCM vì lý do việc làm. Do vậy, mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, nhất là dịp Tết cổ truyền, người lao động xa quê đều nô nức về thăm nhà, gây ra sự quá tải cho ngành giao thông. 

Xe khách và máy bay quá tải

Hiện nay, có 3 loại phương tiện chủ yếu để người lao động đi làm xa lựa chọn về quê trong dịp Tết Mậu Tuất, đó là máy bay, tàu lửa và xe khách. Theo khảo sát mới đây của Zing.vn, máy bay và xe khách là hai phương tiện được chọn để di chuyển nhiều nhất.

Ngành đường sắt với hiện trạng chỉ có duy nhất 1 đường ray lạc hậu, nên không thể đáp ứng hết nhu cầu di chuyển của người dân, dù giá vé tàu tương đối phù hợp với túi tiền người lao động.

Ngày thường, chạy xe máy từ Sài Gòn về Tây Ninh mất khoảng 2 tiếng thì ngày Tết phải khoảng 4-5 tiếng.

Anh Duy Hải, Q.9, TP.HCM.

Một số người chọn về quê bằng phương tiện cá nhân. Tuy vậy, áp lực giao thông ngày Tết khiến việc di chuyển không hề dễ dàng.

Anh Hải, quê ở Tây Ninh, đang làm việc tại quận 9, chia sẻ: “Năm nào tôi cũng về quê bằng xe máy. Bình thường, chạy xe mất 2 tiếng thôi, còn ngày Tết kẹt xe dữ lắm, có khi phải 4-5 tiếng mới về đến nơi”.

Thời gian này, hàng không, đường sắt và đường bộ đều hoạt động hết công suất để đáp ứng như cầu di chuyển của người dân. Hàng không, tàu hỏa chiều Nam – Bắc đều tăng chuyến; Bến xe Miền Đông, Miền Tây cũng huy động số lượng xe gấp đôi ngày thường.

Hạ tầng giao thông vẫn vậy, trong khi lưu lượng phương tiện tăng mạnh dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Giá vé ‘trên trời’ 

Đương nhiên, vào dịp lễ Tết, giá vé tàu, xe, máy bay đều có sự “đột biến”. Giá vé lên cao là quy luật cung cầu của thị trường.

Đối với đường không, giá vé đặt biệt cao vào những ngày cao điểm Tết 2018, mặc dù Cục Hàng không ngày 2/2 (17 tháng Chạp) vừa công bố vẫn còn hơn 44% số ghế trên máy bay của các hãng hàng không trong dịp Tết 2018 chưa được bán hết.

Zing.vn khảo sát hệ thống bán vé trực tuyến của cả ba hãng hàng không nội địa hiện nay, hầu hết chuyến bay TP.HCM – Hà Nội và các tỉnh miền Trung trong những ngày cận Tết đều đã hết vé giá rẻ. Với hạng ghế thương gia, hiện nay cũng còn số lượng rất ít trên mỗi chuyến bay, với giá vé kèm thuế phí từ 3 triệu đồng trở lên cho 1 chiều.

Giá vé ngày Tết đắt gấp đôi ngày thường, nhưng không có mà mua

Anh Khánh Hưng, Q.4, TP.HCM.

Anh Khánh Hưng (ngụ quận 4), từ Nghệ An, vào Sài Gòn lập nghiệp chia sẻ: “Bình thường bay từ Sài Gòn về Vinh mất khoảng 2,5 triệu đồng khứ hồi. Ấy mà giờ Tết, vé một chiều cũng đã 3 triệu rồi. Tính ra, đi cả về khoảng 6 triệu.”  

Với xe khách, giá vé dịp giáp Tết ước tính tăng ít nhất 40%. Theo khảo sát của phóng viên, giá vé đi Nha Trang ngày thường khoảng 200.000 đồng/vé, đến dịp Tết được đẩy giá lên 450.000 đồng/vé. 

Hơn 1 triệu người loay hoay tìm đường về quê

Những ngày giáp Tết, chỉ riêng Bến xe Miền Đông, bến xe lớn nhất TP.HCM, chạy các tuyến đi khu vực miền Trung, miền Bắc, miền Đông. Trong khoảng 10 ngày trước Tết, ước tính có gần 400.000 hành khách về quê, có ngày cao điểm phục vụ trên 50.000 hành khách, tăng gấp 2,5 lần ngày thường. Tình trạng tương tự xảy ra tại Bến xe Miền Tây (phục vụ chủ yếu đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), ngày cao điểm phục vụ trên 60.000 hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết lượng khách đi lại bằng đường máy bay dịp Tết có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phân tích của Zing.vn dựa trên số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn, trong 8 ngày cận Tết, từ 8/2 (23 tháng Chạp) đến 15/2 (30 tháng Chạp) các đơn vị vận tải tại TP.HCM hoạt động hết công suất sẽ phục vụ được khoảng 2,3 triệu lượt khách, trong khi dân ngoại tỉnh ở TP.HCM ước tính ít nhất là 3,5 triệu người. 

Hơn 1 triệu người còn lại vẫn đang loay hoay tìm đường về quê, với sự lựa chọn gần như duy nhất là phương tiện cá nhân. Đó là chưa kể sân bay và ga tàu ở TP.HCM phải chia sẻ với các tỉnh lân cận. Con số người lao động không thể về quê do không có điều kiện có thể còn lớn hơn nhiều lần.

Và chưa kể đến thời gian di chuyển của người dân. Với quãng đường giả định từ Sài Gòn ra Hà Nội dài khoảng 1.600 km, thời gian di chuyển kéo dài từ 2 tiếng cho đến 37 tiếng, tùy loại phương tiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thời gian di chuyển thô, chưa tính đến thời gian chờ xe, tắc đường, chuyển chuyến. 

Còn hơn 1 tuần nữa đến Tết, hàng triệu lao động đó sẽ về quê bằng cách nào?  

Theo: Zing News