Ngày 8-4, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) tổ chức hội thảo khoa học đề tài khoa học cấp tỉnh Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Đề tài này do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà chủ trì; kĩ sư Đỗ Anh Thy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà làm chủ nhiệm.
|
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu từ lúc được triển khai tháng 11-2018 đến nay. Ngoài ra, các đại biểu còn đưa ra các luận cứ khoa học, thảo luận các vấn đề liên quan đến điều tra, thu thập thông tin về điều kiện sinh thái tại các địa điểm nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh tại Hòn Bà; phân tích hàm lượng một số saponin (dưỡng chất chính của sâm Ngọc Linh) chính trong sâm Ngọc Linh trồng tại đây… Theo đó, đề tài nghiên cứu này được triển khai từ tháng 11-2018, cây giống được trồng từ năm 2019, qua hơn 3 năm được trồng thử nghiệm dưới tán rừng tự nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, với diện tích 1.000m2, chia thành 3 khu vực, với tổng cộng 19 luống trồng 834 cây sâm. Đến nay, tỷ lệ cây sống ở cả 3 khu vực đều đạt cao, hơn 80%, kích thước, trọng lượng củ từ 2,8-3,6g; hàm lượng saponin toàn phần và hàm lượng saponin chính đều tăng, đạt cao…
Từ cơ sở kết quả hội thảo, cơ quan chủ trì thống nhất kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, phát triển đề tài này nhằm củng cố các số liệu, luận cứ khoa học chính xác về sinh trưởng, phát triển, chất lượng sâm Ngọc Linh tại các khu vực trồng thử nghiệm; thành lập mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại Hòn Bà sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu này.
HẢI LĂNG