Trao đổi với Báo Khánh Hòa về kết quả hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa trong nhiệm kỳ qua và phương hướng nhiệm kỳ tới, ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết:

– Nhiệm kỳ 2013 – 2018, nông nghiệp Khánh Hòa có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Hội viên nông dân trong tỉnh đã từng bước mạnh dạn đầu tư chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bưởi, xoài, sầu riêng, dừa xiêm, rau đậu các loại… thay thế cho vườn rẫy tạp, bắp, mì, mía, lúa kém hiệu quả. Trong chăn nuôi, sự chuyển dịch giữa quy mô hộ nông dân nhỏ lẻ dần được thay thế bởi các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng được các đòi hỏi về môi trường cũng như đưa ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Toàn tỉnh hiện có gần 7.000 tàu thuyền, trong đó có hơn 1.000 tàu thuyền chuyên đánh bắt khai thác xa bờ, hoạt động nuôi trồng thủy sản ngày càng lớn mạnh về quy mô cũng như hiện đại về công nghệ.

Phiên chợ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức năm 2017.

Phiên chợ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức năm 2017.

Đồng hành với hội viên nông dân, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ. Thông qua các phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân điển hình tiên tiến. Đến nay, toàn tỉnh có 58.600 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 38% trong số đó có mức thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên sau khi trừ chi phí, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,44% theo chuẩn quốc gia, hơn 86% hộ gia đình nông dân có nhà kiên cố, đời sống tinh thần, vật chất từng bước được cải thiện. Nhờ đó, vị thế của Hội Nông dân các cấp ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong tiến trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Lãnh đạo tỉnh đến thăm một cơ sở trồng dưa lưới xuất khẩu ở huyện Khánh Vĩnh.

Lãnh đạo tỉnh đến thăm một cơ sở trồng dưa lưới xuất khẩu ở huyện Khánh Vĩnh.

– Bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tỉnh còn những khó khăn gì, thưa ông?

– Hiện nay, nông dân toàn tỉnh chiếm hơn 55% dân số và hơn 46% lao động xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, đời sống nông nghiệp, nông dân còn gặp không ít khó khăn. Một số chính sách hỗ trợ như: tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp, chính sách về đất đai còn bất cập; một bộ phận nông dân chưa thích ứng chuyển đổi ngành nghề khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nông dân còn nhiều băn khoăn, bức xúc trước những vấn đề như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, gia cầm kém chất lượng. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm do người nông dân làm ra vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ nên tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn còn diễn ra khá phổ biến, chưa kể hoạt động bảo quản sau thu hoạch, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu chưa đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, vốn đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và nông nghiệp, nông thôn còn thấp, còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao; hình thức, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; năng lực ứng phó với thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế. Các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả cao còn ít, công tác hỗ trợ nông dân tiếp cận các dịch vụ vay vốn, vật tư nông nghiệp chưa thật sự mạnh; nông dân còn tư tưởng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp… Hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân còn nhiều mặt chưa hiệu quả; việc hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, hoạt động hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản nhiều nơi còn hạn chế…, dẫn đến bị thương lái chèn ép giá; một số hộ nông dân vì lợi nhuận, sản xuất sản phẩm kém chất lượng…

1 doanh nghiệp rau sạch ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa đang xử lý rau sau thu hoạch.

Một doanh nghiệp rau sạch ở xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa đang xử lý rau sau thu hoạch.

– Nhiệm kỳ tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh tập trung những nhiệm vụ gì, thưa ông?

– Nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tập trung xây dựng hội vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tiếp tục phát huy vai trò trung tâm nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững lên một tầm cao mới, phấn đấu xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, thương hiệu nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản trong và ngoài nước. Cùng với đó, phát huy vai trò đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để nhân rộng. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp tăng cường vận động nông dân nâng quy mô sản xuất, phát triển nhanh các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Vận động nông dân phát huy thế mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

– Xin cảm ơn ông!

H.Đ (Thực hiện)


Những con số ấn tượng

. Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân tỉnh đã phát triển mới hơn 18.800 hội viên, đạt 126% chỉ tiêu, nâng tổng số hội viên đến nay lên hơn 119.500 hội viên; đã có 116.700 hội viên được phát thẻ, đạt hơn 97%.

. Nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Nông dân tỉnh; Huân chương Lao động hạng Nhì cho 1 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 4 cá nhân; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng 358 kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”; tặng 3 cờ thi đua xuất sắc, 99 bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích trong các đợt thi đua theo chuyên đề và cuối năm. UBND tỉnh tặng 72 bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích trong các đợt thi đua; từ năm 2014 – 2017 tặng bằng khen cho 40 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xuất sắc. Hội Nông dân tỉnh tặng 553 bằng khen và 127 giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác hội và theo chuyên đề. Có 5 nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

. Từ năm 2013 đến nay, nông dân trong tỉnh đã có 296 giải pháp tham gia hội thi và có 124 giải pháp sáng tạo đạt giải tại các Hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” của tỉnh và Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” do Trung ương Hội tổ chức; trong đó có 3 giải nhì, 14 giải ba, 93 giải khuyến khích tại hội thi cấp tỉnh và 7 giải ba, 7 giải khuyến khích tại hội thi cấp Trung ương.

. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đang quản lý hơn 50,8 tỷ đồng, tăng 30,2 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; đã hỗ trợ cho hơn 11.000 lượt hộ vay để xây dựng 250 lượt mô hình sản xuất, làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động có thu nhập ổn định. Các cấp hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hơn 230.000 lượt hộ vay, với tổng dư nợ hơn 1.222 tỷ đồng, tăng 392,5 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội ủy thác là 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ gần 100 lượt hộ vay vốn, góp phần quan trọng giúp đỡ hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

. Đến nay, đã có 212 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh do hội hướng dẫn thành lập với 2.327 thành viên, tăng 127 tổ so với năm 2013. Trong đó, tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản chiếm hơn 87% và phối hợp với các ngành chức năng vận động hội viên, nông dân thành lập mới 9 hợp tác xã.


 

Theo: Báo Khánh Hòa