Các doanh nghiệp (DN) của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Để đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang rộng mở, các DN cần có sự kết nối lẫn nhau và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.
Cơ hội và thách thức
Theo các DN trong tỉnh, các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước nhờ giảm mức thuế nhập khẩu, giảm chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, DN sẽ tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh Đông Á đang trở thành khu vực phát triển năng động nhất thế giới và có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước có chi phí nhân công tốt như Việt Nam, các DN Việt Nam dễ dàng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quốc gia theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, các DN cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng mở. Ông Lương Thế Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang cho biết, những hiệp định tự do thương mại mang lại nhiều thuận lợi cũng như khó khăn đối với tình hình kinh doanh của Cà phê Mê Trang. Thị trường xuất khẩu chính của Mê Trang hiện nay là: Nga, Mỹ, một số nước Đông Nam Á… Hiện nay, kinh tế Nga có nhiều bất ổn, khi đồng Rúp trở nên rẻ hơn so với USD, những mặt hàng xuất khẩu trở nên xa xỉ với nhiều người tiêu dùng Nga buộc họ phải cắt giảm mua sắm. Điều này khiến số lượng hàng hóa xuất khẩu của công ty sụt giảm. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật cao, hệ thống pháp luật thương mại phức tạp là một trong những khó khăn lớn đối với hàng hóa của Việt Nam để cạnh tranh được ở những thị trường khó tính như: Trung Quốc, Mỹ. Do đó, đến nay, công ty cũng chưa xuất khẩu hàng hóa được qua thị trường Trung Quốc.
Một số DN khác cũng cho biết, hiệp định thương mại tự do cũng tạo nên tính cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng, mẫu mã, giá cả sản phẩm, đồng nghĩa với việc muốn thâm nhập vào thị trường, các doanh nghiệp cần tạo sự khác biệt, đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý. Hiện nay, theo các Hiệp định thương mại tự do, các nước đều phải minh bạch hóa các quy định về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là đối với các ngành nông sản, thực phẩm, bởi đây là hàng hóa liên quan đến sức khỏe con người nên cần được quan tâm hơn hết. Điều này đòi hỏi DN phải tìm hiểu, nắm rõ diễn biến hàng rào kỹ thuật trong thương mại của từng thị trường, đối với từng mặt hàng thì mới có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Cần sự kết nối, hỗ trợ
Ngoài sự nỗ lực của mỗi DN để khắc phục những khó khăn, thử thách, sự kết nối, chia sẻ giữa các DN với nhau về thị trường, công nghệ sản xuất, thủ tục pháp lý sẽ phát huy được lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, các DN cũng cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. DN mong muốn Nhà nước sẽ có các chính sách ưu đãi về thuế, về quy trình, thủ tục trong việc nhập khẩu máy móc chất lượng cao từ các thị trường nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ chi phí DN khi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ về mặt pháp luật, chuyên môn hóa các thủ tục, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; có những chính sách thương mại quốc tế, khuyến khích hoạt động xuất khẩu rõ ràng, cụ thể hơn…
Theo đại diện Sở Công Thương (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh), thời gian qua, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của tỉnh tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương, cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của DN; xây dựng, củng cố và phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường một cách đồng bộ; chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, phát triển dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Ông Trần Văn Ngoạn – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cả DN và cơ quan quản lý đối mặt với 3 vấn đề thách thức lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn vốn để đổi mới trang thiết bị; trình độ nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phải được quan tâm đào tạo và cán bộ, công nhân phải tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho DN nhỏ vừa để đổi mới, cải tiến máy móc, trang thiết bị; người quản lý phải nâng cao trình độ, kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý theo xu thế cách mạng công nghệ 4.0.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khi có tới 17 FTA. Trong đó, một số FTA đáng chú ý như: 6 FTA khu vực (ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Australia – New Zealand, ASEAN – Ấn Độ), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và FTA Việt Nam – Chi-lê, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), giữa Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU)… Dự kiến trong năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ đem lại những thay đổi lớn cho bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của các DN trong nước.
MAI HOÀNG
Theo: Báo Khánh Hòa