Căng thẳng, tập trung, lo lắng, sợ hãi, hạnh phúc… – đó là những cảm xúc mà chỉ những người được chứng kiến tê giác sinh con mới hiểu. Tuy nhiên, khoảnh khắc này cực kỳ hiếm gặp. 10 năm qua ở Việt Nam mới chỉ có 3 tê giác con được sinh sản thành công ở môi trường bán hoang dã và 2 trong số đó ra đời tại Vinpearl Safari chỉ trong vòng 17 ngày đầu tháng 4 vừa qua. Theo các chuyên gia, đó thực sự là một kỳ tích.  

Căng não vì tê giác sinh nở

“Chăm tê giác không khó, nhưng để hiểu về tê giác lại là chuyện khó cực kỳ, mà để chúng sinh sản cũng cực kỳ gian nan” – ông Nguyễn Đình Cao – Trưởng bộ phận chăm sóc động vật, vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc mở đầu câu chuyện.  

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Quá trình sinh nở của chú tê giác thứ 2 này kịch tính, gay cấn và nhiều lần gây “thót tim” cho đội ngũ chăm sóc, bác sĩ, chuyên gia tại đây. “Trước khi sinh, tê giác mẹ vẫn biểu hiện bình thường như những con khác. Tuy nhiên, sau khi tê giác con lọt lòng, “giông bão” mới bắt đầu nổi lên” – chuyên gia chăm sóc động vật Nguyễn Đình Cao hồi hộp kể.

Sau vài giờ vật lộn, chuyển dạ, 22 giờ 30 ngày 20-4, tê giác con chính thức chào đời. Thay vì tìm cách chăm sóc, tê giác mẹ đột nhiên hung dữ, liên tục húc mạnh vào tê giác con. “Ngay lúc ấy, chúng tôi nhận định tình trạng hoảng loạn của tê giác mẹ, việc mang thai có thể đã gây stress, ngay lập tức chúng tôi lên mọi phương án đối phó để bảo vệ cá thể mới sinh”, ông Cao nói. Trong trường hợp xấu nhất, nhân viên vườn thú buộc phải tách tê giác con khỏi mẹ, tuy nhiên điều này cũng rất khó khăn vì sự hung dữ và cảnh giác của tê giác mẹ.

May mắn thay, tâm lý cá thể mẹ dần dần ổn định lại, không còn gây nguy hiểm cho con non nữa. Tuy nhiên, chuyện sinh nở căng thẳng vẫn chưa kết thúc, cảnh giác cao độ, ý thức bảo vệ con non đã khiến tê giác mẹ luôn đẩy con non lên trước mặt khiến tê giác con không thể nào tìm được bầu sữa. “Sau khi sinh, con non phải tìm được bầu vú và bú đợt sữa non đầu, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và sự phát triển của con nhỏ”, ông Bùi Phi Hoàng – tổ trưởng chăm sóc động vật Vinpearl Safari giải thích.  

Lực lượng chăm sóc như ngồi trên đống lửa, khi mọi nỗ lực dần trở thành bất lực, sự kiên nhẫn cạn kiệt dần thì đến 8 giờ 30 – sau 10 giờ vật lộn, tê giác con đã bú những giọt sữa đặc biệt đầu tiên. Lực lượng chăm sóc ai cũng vỡ òa, chưa bao giờ cảm giác chờ đợi sinh nở vừa lâu vừa căng thẳng, bồn chồn như lần này.

Nhiều năm làm việc tại vườn thú Safari, việc tiếp xúc với những trận sinh nở căng thẳng không phải là điều hiếm gặp với các chuyên gia như ông Nguyễn Đình Cao, Bùi Phi Hoàng. Trước đó, hàng loạt động vật quý hiếm như: hà mã, thiên nga trắng cổ đen, hổ, báo, linh dương… có quá trình sinh nở hết sức khó khăn cũng đã ra đời tại khắp các vườn thú trong hệ thống Safari.

Trái ngọt không tự nhiên mà có

Nhiều loài động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ đã ra đời tại Vinpearl Safari nhiều năm qua được đánh giá kỳ tích là hoàn toàn hợp lý bởi bên cạnh yếu tố sinh nở tự nhiên, cần nhiều điều kiện khắt khe như: cơ sở vật chất, trình độ, kinh nghiệm chăm sóc mới đem đến những “quả ngọt” liên tiếp.

Sẽ có thêm nhiều tê giác trong tương lai

Với hệ sinh thái phù hợp, môi trường sống thuận lợi, 7 cá thể tê giác lớn tại Vinpearl Safari Phú Quốc đã vào tuổi trưởng thành, 2 cá thể trong số đó đã sinh sản và 1 cá thể đang có những biểu hiện tích cực việc mang bầu. Trong tương lai gần, với những yếu tố thuận lợi nói trên, ngôi nhà Vinpearl Safari đông đúc những loài thú non là điều không xa lạ.

Ngay từ giai đoạn đầu tiên khi phát hiện động vật mang bầu, từ cử chỉ nhỏ nhất, nhân viên chăm sóc phải lưu ý đặc biệt kiểm tra hơn. Đặc biệt, biểu hiện, cảm xúc của con thú như thế nào, thậm chí cận ngày sinh phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ để đảm bảo thú sinh nở được an toàn cao nhất. Chế độ ăn uống cũng được thiết kế đặc biệt, có khẩu phần riêng, phụ thuộc vào sở thích, thói quen mà đội ngũ chăm sóc bổ sung thêm các món ăn ưa thích. Trước khi sinh, tiếp tục bổ sung các vitamin và khoáng chất để tăng cường dinh dưỡng, sức khỏe của tê giác trước khi vượt cạn. Chuồng trại cũng được kiểm tra đảm bảo sạch sẽ để thú mới sinh được ấm, không bị lạnh, không ảnh hưởng tới cơ thể.

Giai đoạn chuẩn bị việc ghép đàn cho tê giác lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường, ở một số vườn thú hay thậm chí công viên có diện tích chật hẹp, việc ghép đàn gần như không khả thi vì nếu khác đàn, khác lứa tê giác thường dễ hung dữ, xung đột, đánh nhau không thể giao phối. Theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường, sinh cảnh tại Vinpearl Safari gần giống với môi trường tự nhiên tại châu Phi nên tê giác gần như không gặp khó khăn gì trong việc bắt cặp và giao phối. Tất cả những điều này ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, vườn thú Safari đã rất chú trọng nhằm đem đến sự thoải mái, môi trường sống gần tự nhiên nhất cho mọi loài.

Không chỉ có vậy, để nâng cao chất lượng vườn thú, định kỳ hàng năm các tổ chức, chuyên gia nước ngoài thực hiện đánh giá phúc trạng động vật tại Vinpearl Safari với những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu khu vực và thế giới. Vinpearl Safari cũng bắt tay với Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á – SEAZA và Hiệp hội vườn thú Việt Nam – VZA, hệ thống các vườn thú trên thế giới nhằm biến Vinpearl Safari không chỉ đơn thuần là công viên giải trí mà mục tiêu lớn hơn là trở thành mảnh đất bảo tồn, ngôi nhà lớn cho động vật hoang dã khắp nơi tìm đến. Bằng tất cả nỗ lực, Vinpearl Safari tiếp tục khẳng định, mảnh đất này là môi trường sinh trưởng cực kỳ tốt cho các loài động vật hoang dã, quý hiếm trên thế giới.

Thiện Tâm