Những năm qua, Học viện Hải quân đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Qua đó góp phần xây dựng Hải quân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.
Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, học viện luôn quán triệt và triển khai thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục đào tạo; chú trọng rà soát, đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của đơn vị và sự phát triển của Quân chủng Hải quân.
Trong chương trình đào tạo, học viện xác định tập trung lựa chọn những thông tin mới, cần thiết, loại bỏ những kiến thức cũ, lạc hậu, trùng lặp; lấy thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị trong Quân chủng Hải quân làm cơ sở và căn cứ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và dự kiến được xu hướng phát triển trong tương lai. Trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn kiến thức cần và đủ, đảm bảo tính cơ bản, hiện đại và hợp lý, sát đối tượng đào tạo, thực hiện tốt 3 mục tiêu: chất lượng cao (kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất), hiệu quả cao, hiệu suất cao; chú trọng tính hệ thống, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để học viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức. Riêng trong năm 2017, học viện đã hoàn thành cải tiến 18 chương trình đào tạo sát với từng đối tượng đào tạo, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu công tác đào tạo trong tình hình mới.
Song song đó, việc đổi mới phương pháp dạy, học được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ gắn liền với đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị kỹ thuật dạy học hiện đại, xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thực nghiệm, các hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện…
Nâng cao chất lượng cán bộ, giảng viên
Hiện tại, Học viện Hải quân có 64,7% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó 13,7% trình độ tiến sĩ. Để phát triển đội ngũ giảng viên, vốn là nhân tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, hàng năm, học viện chú trọng công tác đánh giá chất lượng cán bộ, giảng viên cũng như quá trình tuyển chọn các danh hiệu giảng viên giỏi. Cùng với đó, học viện đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, đặc biệt là các lĩnh vực tự động hóa, vũ khí trang bị tàu ngầm và chống ngầm, các hoạt động nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật hải quân; liên kết với các cơ sở đào tạo nghiệp vụ sư phạm mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và phương pháp sư phạm cho giảng viên, nhất là giảng viên trẻ. Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng, các giảng viên tăng cường sinh hoạt chuyên môn, giảng mẫu, giảng thử… ở các bộ môn, các khoa, qua đó trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn.
Học viện đề ra mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng, có tỷ lệ dự trữ từ 10 đến 20%, 100% giảng viên có trình độ sau đại học, 15 – 20% trình độ tiến sĩ, 10 – 15% là giáo sư, phó giáo sư; cán bộ chỉ huy các khoa có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, 100% cán bộ khoa và 70% chủ nhiệm bộ môn các khoa chuyên ngành trải qua thực tế tại đơn vị với cương vị cán bộ cấp trung, lữ đoàn và tương đương trở lên; 100% cán bộ giảng viên có trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đạt chuẩn theo quy định về chức danh giảng viên…
Theo Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Học viện, thời gian tới, học viện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm. Cùng với đó, tích cực, chủ động, sáng tạo, tiếp tục xây dựng học viện trở thành nhà trường chính quy, mẫu mực và hiện đại, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong tình hình mới”.
THẾ ANH
Theo: Báo Khánh Hòa