Ngày 15/12, tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tổng kết công tác tuyên truyền biển, đảo giai đoạn 2013-2017 và ba năm triển khai Quyết định số 616/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong gần năm năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị triển khai công tác thông tin, tuyên truyền biển, đảo, với những nội dung thiết thực, hình thức phong phú; đặc biệt là tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, các quân khu, quân đoàn, lực lượng cảnh sát biển, lực lượng hải quân, lực lượng cảnh vệ, lực lượng kiểm ngư; triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người-Nhìn từ biển, đảo” tại nước ngoài.
Tại Hà Tĩnh, lần đầu tiên 17 châu bản liên quan đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời Nguyễn (1802-1945) được đưa ra trưng bày.
Đây là những văn bản có tính pháp lý, khẳng định vương triều Nguyễn đã kế thừa quá trình chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà các triều đại quân chủ Việt Nam đã thực hiện từ hàng trăm năm trước, tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách liên tục và hòa bình.
Những tư liệu quý này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng. Triển lãm cũng trưng bày những sản vật của các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là những “nắm cát” từ Hoàng Sa do các ngư dân miền Trung mang về tặng.
[TTXVN triển lãm 150 bức ảnh về “Biển đảo Tổ quốc”]
Tại Hà Nội, triển lãm bổ sung nhiều “bản đồ chủ quyền” do kỹ sư Trần Thắng sưu tầm và trực tiếp mang từ Mỹ về.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm thu hút đông đảo người xem ngay từ lúc chưa khai mạc cho đến thời điểm cuối cùng trước giờ bế mạc.
Tại Thái Nguyên, dù là tỉnh trung du, không có biển, nhưng người dân Thái Nguyên luôn quan tâm đến chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm được tổ chức là cơ hội để người dân vùng ATK, “Thủ đô gió ngàn” của cuộc kháng chiến chống Pháp, hiểu thêm những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa-Trường Sa.
Đặc biệt, tám cuộc triển lãm tổ chức ở các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận).
Thành công của các cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã đặt dấu mốc quan trọng trong công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo được tiếng vang và lan tỏa khắp trong nước và ngoài nước.
Các tư liệu trưng bày tại triển lãm đã cung cấp cho cán bộ, chiến sỹ, người dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài những bằng chứng lịch sử, những cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này; đồng thời khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia trong công chúng.
Vì thế, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng các cuộc triển lãm này bằng việc cung cấp thông tin về các nguồn tư liệu liên quan đang lưu trữ trong các thư viện, bảo tàng, sưu tập cá nhân ở trong và ngoài nước
Nhiều tư liệu quý đã được bổ sung, bám sát chủ đề, kịp thời cập nhật thông tin. Đặc biệt, hơn 30% tư liệu trưng bày tại triển lãm đã được bổ sung từ nguồn tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia, của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm; trong đó có những tài liệu, bản đồ do tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng) thu thập được trong chuyến đi sưu tầm tư liệu Hoàng Sa ở các nước Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp…
Công tác tuyên truyền biển, đảo được xác định là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, có ý nghĩa quan trọng đối với chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước trong tình hình hiện nay.
Việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về biển, đảo phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,” Luật Biển Việt Nam năm 2012, Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam.”
[Triển lãm ảnh Biển đảo Tổ quốc tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia]
Ngành tiếp tục tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở trong nước và nước ngoài. Riêng ở nước ngoài, tiếp tục tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu “Việt Nam đất nước, con người-Nhìn từ biển, đảo” tại các nước: Australia, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, kết hợp cùng với một số chương trình thông tin đối ngoại và triển lãm sách, báo, tuần phim của Bộ Thông tin và Truyền thông tại nước ngoài.
Ngành cũng tổ chức thêm các cuộc thi tuyên truyền về biển, đảo như: Hội thi tuyên truyền lưu động về chủ quyền biển, đảo cho các đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố và các đơn vị quân đội (Quân khu, Quân đoàn, vùng Hải quân, vùng Cảnh sát biển); hội thi tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại 6 khu vực trong toàn quốc (Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền Trung-Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long).
Bằng các hình thức sinh động khác, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức cuộc thi ảnh về biển, đảo Việt Nam; thi vẽ tranh cổ động về biển, đảo Việt Nam; tổ chức cuộc thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về biển, đảo, thể hiện dưới các hình thức: Clip tuyên truyền, nhạc, thơ, tác phẩm ngắn; cuộc thi viết trên báo “Những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.”
Bộ cũng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền biển, đảo, kể cả cho giáo viên dạy các môn lịch sử, địa lý trong các trường phổ thông; cán bộ đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí…
Ngày 14/12, tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam và Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) phối hợp tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Biển đảo Tổ quốc.”
Tại lễ khai mạc, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết gắn mình với biển đảo Tổ quốc, đội ngũ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam luôn có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió, từ miền duyên hải cát trắng đến nơi đảo xa, khi những cánh buồm no gió trở về với khoang thuyền đầy cá hay những lúc bão tố gầm rú trên biển…./.
Theo: Viet Nam Plus