Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Dốc Đỏ, vừa qua, UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường bãi rác Dốc Đỏ, xã Cam An Nam”.
Bãi rác tạm Dốc Đỏ nằm tại xã Cam An Nam có diện tích khoảng 5ha. Nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, năm 2014, UBND huyện Cam Lâm đã nghiên cứu ứng dụng hệ thống xử lý rác thải công nghiệp và dân sinh theo công nghệ Nhật Bản, với công suất xử lý của lò đốt là 500kg/giờ, chi phí đầu tư 3,6 tỷ đồng. Hiện nay, tổng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 50 tấn/ngày đêm. Công tác thu gom do các công ty dịch vụ môi trường thực hiện và vận chuyển về bãi rác tạm Dốc Đỏ để xử lý. Tuy nhiên, lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, trong khi công suất xử lý bằng lò đốt của bãi rác bị quá tải buộc khối lượng rác còn lại phải chôn lấp, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh.
UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh cho phép đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung tại xã Suối Cát với diện tích khoảng 51ha, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được. Trong thời gian chờ triển khai việc đầu tư xây dựng bãi rác tập trung, vừa qua, UBND huyện Cam Lâm đã tiến hành hỗ trợ xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường tại khu vực này với nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và huyện. Theo đó, địa phương đã nâng cấp bãi chôn lấp và xử lý rác thải, tăng hiệu quả công tác chôn lấp rác thải; xử lý mùi hôi, khói bụi và nước thải. Nhiệm vụ được thực hiện với nhiều hạng mục như: phát quang, san ủi diện tích 2.000m2 tại khu vực phía trong bãi rác; sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột, thuốc diệt ruồi để tăng cường xử lý rác thải, giảm thiểu mùi hôi; sau khi san ủi, dọn dẹp xử lý và phủ đất hoàn thổ, tạo mặt bằng trồng cây; nạo vét các rãnh nước bị rác thải lấp đầy; dọn dẹp rác dọc đường đi vào bãi rác, đảm bảo phương tiện vận chuyển rác không bị ùn tắc; thu gom rác thải phía trước bãi rác, dọc đường đi vào bãi rác chính do người dân vứt bỏ bừa bãi, với phạm vi thu gom 5.000m2 để đưa vào bãi rác xử lý, khối lượng rác đã thu gom khoảng 30 tấn.
Nhằm cải thiện môi trường không khí quanh bãi rác, địa phương trồng hơn 1.000 cây keo lá tràm (cây con cao từ 30cm đến 50cm) dưới hình thức phân tán tại khu vực phía trước bãi rác và tại khu vực phủ đất với diện tích 2.000m2; khu vực trồng cây xanh được bảo vệ bằng rào chắn bằng gỗ và lưới thép gai dọc hai bên đường vào bãi rác. Theo lãnh đạo huyện, để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, huyện đã lắp đặt thêm 1 cụm pano tuyên truyền, bảng hướng dẫn để giáo dục ý thức người dân trong việc bỏ rác đúng quy định; chỉ đạo tuyên truyền qua loa phát thanh với tần suất 2 bài/tuần đối với các xã: Cam An Nam, Cam An Bắc và Cam Hiệp Nam liên tục trong thời gian 3 tháng; tổ chức 1 chốt trực trước bãi rác để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi.
Ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, sau khi hoàn thành, môi trường trong và xung quanh khu vực bãi rác Dốc Đỏ đã phần nào được cải thiện, ý thức của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người dân vi phạm, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng. “Huyện đã chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa các xã và đơn vị thi công xử lý rác thải nhằm nâng cao công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để hạn chế việc vứt rác bừa bãi trước khu vực bãi rác tạm. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và tăng cường công tác bảo vệ môi trường, địa phương mong sớm được xem xét triển khai dự án đầu tư bãi rác tập trung tại xã Suối Cát”, ông Tuân nói.
VĨNH THÀNH
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202004/ho-tro-xu-ly-o-nhiem-bai-rac-doc-do-8158179/ )
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202004/ho-tro-xu-ly-o-nhiem-bai-rac-doc-do-8158179/